Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tái cấu trúc chính sách giá điện

Chuyển sang cơ chế giá thị trường

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành điện phải đối mặt với yêu cầu nâng cao chất lượng và đảm bảo nguồn cung ổn định cho một nền kinh tế đang tăng tốc theo hướng xanh, bền vững, các bất cập trong chính sách giá điện lại càng bộc lộ rõ. Việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí… đang làm suy giảm sức hút đầu tư vào ngành điện nên cần tái cấu trúc chính sách về đúng thị trường.

Suy giảm sức hút đầu tư

Dưới góc nhìn của chuyên gia, cơ chế giá điện hiện hành đang là điểm nghẽn lớn. Từ việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí, gánh quá nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, đến cơ chế bù chéo kéo dài… đã làm suy giảm sức hút đầu tư vào ngành điện.

Điều hành hệ thống điện tại Công ty điện Lâm Đồng (PTC3). Ảnh: Khắc Kiên

Bàn về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa chỉ ra, giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn. Thứ nhất, mang tính bao trùm và có thể coi là điểm nghẽn là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1kWh điện. Bên cạnh đó, giá điện chưa được khắc phục tình trạng mua cao bán thấp dai dẳng trong nhiều năm.

Thứ hai, giá điện đang phải gánh quá nhiều mục tiêu, mà giới nghiên cứu kinh tế hay gọi là đa mục tiêu. Thường giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư, nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm. Trên thực tế, những mục tiêu này hội tụ trong giá điện lại không tương thích 100% với nhau mà có những xung đột, giằng co trong quá trình thực hiện. Để xử lý mối quan hệ, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu trong giá điện là rất khó, một số mục tiêu không thực hiện được.

Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.

Những bất cập đó gây ra những hệ quả là điện không được tính đúng, tính đủ; giá điện không phản ánh đúng giá trị của 1kWh điện đã sản xuất ra. Như vậy, giá điện trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.

Một điểm quan trọng là ngành điện luôn bị dòng tiền âm. Điều đó có nghĩa không cân đối được dòng tiền cho nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững. Việc này cũng đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng mà đã đề ra.

Các chuyên gia cho rằng, bằng cách chuyển sang cơ chế giá thị trường, xóa bỏ bù chéo, đầu tư vào năng lượng sạch, ngành điện sẽ là đòn bẩy cho các chính sách phát triển bền vững được triển khai hiệu quả hơn.

Hướng tới giá thị trường

Tăng hay giảm không quan trong mà cần chính sách ổn định và theo thị trường là nhìn nhận của các DN. Dưới góc độ quản lý, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Trung Thành (Trung Thành Foods) Phí Ngọc Sơn cho rằng, mức tăng giá điện dù ít hay nhiều đều tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Từ năm 2023 đến nay, ngành điện đã 4 lần tăng giá điện khiến hoạt động của DN có nhiều xáo trộn, giá điện trực tiếp làm gia tăng thêm chi phí đầu vào, tác động đến giá thành khiến sản phẩm của DN giảm tính cạnh tranh.

Với hàng nghìn sản phẩm đang có mặt trên thị trường, trước biến động của các yếu tố đầu vào như xăng dầu, điện, cước vận tải… DN đã phải cố gắng cải tiến đổi mới dây chuyền sản xuất, tăng tỷ lệ tự động hóa, ứng dụng công nghệ xanh để tiết giảm năng lượng, cố gắng làm sao giữ được giá thành sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. "Trung Thành cũng như hàng trăm nghìn DN tư nhân khác đều mong muốn giá điện luôn ổn định, hoặc nếu có tăng cần phải được tính toán kỹ theo lộ trình và thời điểm thích hợp, khi đó mới phù hợp với sức chịu đựng của DN, góp phần hỗ trợ các DN trong bối cảnh còn đang rất nhiều khó khăn như hiện nay" - ông Phí Ngọc Sơn bày tỏ.

Còn Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên Nguyễn Văn Đạt chia sẻ, trong bối cảnh nguồn cung ứng điện và sự phát triển kinh tế lớn đòi hỏi nhu cầu điện rất là cao, DN xác định sẽ đồng hành với ngành điện, cũng như với Chính phủ trong sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như các nguồn năng lượng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Đưa ra lời giải, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cần phải thực hiện giải pháp dài hạn. Để đảm bảo nguồn cung, nên chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập. Công thức tính giá điện hiện nay cần phải bỏ chi phí khác đi, đó bản chất là chi phí chưa được tính đúng tính đủ mà chúng ta phân bổ dần. Có những loại chi phí gọi là chi phí khác, ví dụ như chênh lệch tỉ giá. Cho nên công thức tính giá điện theo cơ chế thị trường phải tính lại, ví dụ như chi phí phát, chi phí truyền tải, chi phí bán lẻ, quản lý… Cần tính đủ chi phí và phải có lợi nhuận nhất định.

Bên cạnh đó, phải bỏ bù chéo với giá điện và xử lý bằng chính sách khác về giá điện giữa các vùng miền cho phù hợp. Một điểm nữa là hiện nay trong giá điện vẫn thể hiện chính sách xã hội, cho nên trong điều hành cần tách bạch chính sách xã hội ra khỏi giá điện. Tuy nhiên, không bỏ chính sách an sinh xã hội, không bỏ những người yếu thế. Để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với dịch vụ cơ bản này thì phải dùng chính sách khác, việc cộng an sinh vào giá sẽ làm méo mó giá điện. Trước mắt, nếu làm được việc này, sẽ rất có ích với ngành điện. Ngành điện sẽ có điều kiện để bảo đảm cung ứng điện cho tăng trưởng kinh tế như mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội thẳng thắn, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong cơ chế giá điện. Đây là hai tiêu chí trong các chính sách về năng lượng. Bên cạnh đó, cần lưu ý trong việc thu hút xã hội hóa đầu tư vào ngành điện, ngoài yếu tố minh bạch và ổn định, còn cần đảm bảo một yếu tố nữa: Tính hợp lý của chi phí.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Có một điểm rất quan trọng dù không nổi bật nhưng lại mang tính nền tảng, đó là sự minh bạch trong các quy định. Để thu hút đầu tư vào ngành điện, chỉ cải cách thủ tục là chưa đủ. Nếu nhà đầu tư không có một khung pháp lý rõ ràng, không nắm được kế hoạch sản xuất - kinh doanh, chi phí đầu vào, đầu ra và tổng mức đầu tư thì họ sẽ không thể yên tâm tham gia. Vì vậy, một điểm rất đáng ghi nhận trong Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là việc hệ thống hóa và cụ thể hóa các quy định, góp phần tạo nên sự ổn định và minh bạch cho thị trường điện trong dài hạn.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội

Nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động rút ngắn kỳ điều chỉnh giá điện

Nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động rút ngắn kỳ điều chỉnh giá điện

Tăng giá điện lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5

Tăng giá điện lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: xem xét xây dựng lại giá thuê mặt bằng chợ 

Nghệ An: xem xét xây dựng lại giá thuê mặt bằng chợ 

13 May, 10:27 AM

Kinhtedothi - Sở Công Thương Nghệ An cho biết, đơn vị hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương, Ban quản lý các chợ và tiểu thương, xây dựng phương án giá đối với diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định ban hành mức giá mới.  

Khoa học công nghệ là then chốt phát triển nông nghiệp hiện đại

Khoa học công nghệ là then chốt phát triển nông nghiệp hiện đại

13 May, 09:12 AM

Kinhtedothi - Đổi mới tư duy để khoa học công nghệ (KHCN) là then chốt trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… là giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp và môi trường hiện nay.

Giá tiêu hôm nay 13/5/2025: Việt Nam thu mua mạnh hồ tiêu Brazil

Giá tiêu hôm nay 13/5/2025: Việt Nam thu mua mạnh hồ tiêu Brazil

13 May, 08:07 AM

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 13/5/2025 trong khoảng 151.000 - 152.000 đồng/kg. Dù ít chịu ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế hơn cà phê, nhưng dự kiến giá tiêu toàn cầu cũng sẽ chịu tác động tiêu cực khi đồng USD hồi phục mạnh trở lại.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ