Chuyến tàu Hàn - Triều "xuyên" lệnh trừng phạt chính thức khởi hành

Hương Thảo (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một chuyến tàu chở hy vọng hòa bình chạy dọc bán đảo Triều Tiên, càng thêm đặc biệt do bối cảnh phong tỏa kinh tế Bình Nhưỡng.

 
Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ liên kết đường sắt giữa hai miền bán đảo bị chia cắt, một chuyến tàu từ Nam Hàn đến Bắc Triều đã khởi hành hôm nay (30/11), mang theo nhiên liệu và nhu yếu phẩm của chính họ để phù hợp với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt vẫn đang được duy trì với Bình Nhưỡng.
Bất kỳ nhiên liệu dự phòng nào còn lại từ chuyến đi này đều sẽ phải được đưa trở lại Hàn Quốc để tránh rủi ro thanh tra vi phạm các hạn chế quốc tế về giao dịch với miền Bắc. Nếu những hạn chế này được dỡ bỏ trong tương lai, kết nối giữa hai hệ thống đường sắt Hàn - Triều có thể mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ cho bán đảo từ việc kết nối các nhà máy Bắc Triều với các thị trường ở miền Nam, đồng thời cung cấp cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc một tuyến đường nhanh hơn đến Trung Quốc và châu Âu.
 
Theo các quan chức Hàn Quốc, Bắc Triều đang có hơn 5.226km đường sắt, so với khoảng 3.900km ở miền Nam. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường này của miền Bắc hoạt động như các tuyến đường đơn - có nghĩa là tàu không thể vượt qua nhau - với tốc độ trung bình 40-50km /giờ. Korail ước tính năm 2012, tổng chi phí sửa chữa đường sắt ở Bắc Triều là 210 triệu USD đối với tuyến Đông và 96 triệu USD đối với tuyến Tây, mặc dù những con số này có thể tăng lên do hạn chế về khả năng và ảnh hưởng của lệnh trừng phạt.
Chuyến tàu là một phần trong kế hoạch chung nhằm kiểm tra hệ thống đường sắt của miền Bắc, sau một loạt các cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước hồi đầu năm hướng tới mục tiêu khuyến khích Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
 
Nhóm nghiên cứu có mặt trên chuyến tàu này đã phải nhận được sự cho phép đặc biệt từ Liên Hợp Quốc để thực hiện hành trình này. Các biện pháp trừng phạt đã tạo ra một số vấn đề cho đoàn thanh tra người Hàn, buộc họ phải mang theo thức ăn, nước và nhiên liệu vì sợ rằng họ sẽ vi phạm luật quốc tế nếu mua bất kỳ vật dụng gì của Triều Tiên. Đội kiểm tra cũng được khuyến cáo cảnh giác với những rủi ro về sức khỏe nếu uống rượu hoặc ăn các sản phẩm của Bắc Triều.
Một phóng viên tiến hành tham quan, trước khi con tàu khởi hành, miêu tả, có hàng trăm chai nước xếp chồng lên nhau được chất trong các khoang, tiếp giáp với những khoang ngủ dài 2m - nơi các thanh tra viên sẽ sống trong vài tuần tới. "Cuộc khảo sát cuối cùng (năm 2007) đã có rất nhiều người bị đau bụng. Vì vậy, chúng tôi đã mang đi nhiều nước trong lần này", giám đốc dự án Ji Yong-tae lý giải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần