Chuyện tiền tệ đầu năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở châu Á, mới rồi có chuyện Trung Quốc đề nghị Việt Nam sử dụng đồng Nhân dân tệ của nước này làm phương tiện thanh toán trong giao dịch ngân hàng và trao đổi thương mại.

Ở châu Âu thì có cuộc tranh luận sôi động và với bất đồng quan điểm sâu sắc về khả năng Hy Lạp ra khỏi nhóm các thành viên EU sử dụng đồng tiền chung Euro.

Cho tới nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở châu Âu trước đây, EU quyết tâm cứu Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng tài chính bằng mọi giá và không để thành viên nào của nhóm sử dụng đồng Euro bị phá sản hoặc bị buộc phải ra khỏi nhóm. Bây giờ, một số thành viên EU lần đầu tiên công khai cho rằng, nếu Hy Lạp ra khỏi nhóm sử dụng đồng Euro thì cũng sẽ chẳng sao đối với EU và đồng Euro.

Ở cả hai nơi, đầu năm mới đều có chuyện tiền tệ. Sự chênh lệch quá rõ nét về quy mô nền kinh tế, mất cân đối trong cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chưa có khả năng tự do chuyển đổi khiến cho Việt Nam sẽ không tránh khỏi rất nhiều rủi ro và nguy hại trước mắt cũng như lâu dài nếu chấp nhận sử dụng đồng tiền của Trung Quốc làm phương tiện thanh toán. Vì thế, Việt Nam sẽ phải rất thận trọng với đề nghị nói trên của Trung Quốc. Tác động chính trị và xã hội khiến cho việc này càng thêm nhạy cảm và phức tạp.

Nếu ra khỏi nhóm sử dụng đồng Euro, Hy Lạp không chỉ làm tổn hại đến thể diện và uy danh của EU mà còn tạo tiền lệ nguy hiểm cho cả EU lẫn đồng Euro, đối với cả Hy Lạp và EU, làm như thế chỉ lợi bất cập hại. Vì thế, cả hai phía thổi bùng cuộc tranh luận nói trên chủ yếu để tạo áp lực chính trị: Hy Lạp muốn cao giá với EU, còn EU muốn răn đe Hy Lạp là tranh giành quyền lực nội bộ kiểu gì thì cũng chớ gây tổn hại cho EU.

Chuyện tiền tệ đầu năm có ẩn ý chính trị của nó.