Chuyện về những “bông hồng thép” nơi tuyến đầu chống dịch

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong điện thoại, Muối khóc nấc xin mẹ được về nhà để ôm mẹ ngủ một đêm rồi ngày mai Muối lại về với ông bà để bố mẹ tiếp tục đi chống dịch. Lúc này, mẹ chỉ biết lén quay mặt đi lau vội giọt nước mắt rồi quay lại động viên Muối rằng khi nào mẹ đánh thắng con Covid sẽ về…”. Đây là những tâm sự của một người mẹ - một nữ chiến sỹ Công an quận Đống Đa đang xa con trai 3 tuổi để cùng đồng đội làm nhiệm vụ tại “vùng đỏ” của phường Văn Miếu (quận Đống Đa).

“Mẹ về chưa? Mẹ có mệt không? Bao giờ mẹ về?”
Có mặt tại các chốt phòng dịch trên địa bàn phường Văn Miếu thời điểm này, tôi bắt gặp Thượng úy Nguyễn Thị Thu Huyền (cán bộ Đội Xây dựng phong trào và bảo vệ An ninh Tổ quốc, Công an quận Đống Đa) đang cùng đội làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa “vùng đỏ”.
 Thượng úy Nguyễn Thị Thu Huyền tham gia chốt trực tại ''vùng đỏ'' phường Văn Miếu.
Tâm sự với Thượng úy Huyền, tôi mới biết, chồng chị cũng là chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ chống dịch tại 23 chốt của Công an TP tại cửa ngõ Thủ đô. Chị có một bé gái 8 tuổi và bé trai 3 tuổi tên là Muối. Khi nhận nhiệm vụ tham gia chốt phòng chống dịch từ tháng 7/2021, vợ chồng chị đã gửi 2 con về ông bà nội nhờ chăm sóc.
“Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tăng cường cho Công an phường Văn Miếu tại “vùng đỏ” từ ngày 27/7, tôi đã bàn bạc thống nhất với chồng, để yên tâm công tác và đảm bảo an toàn nên gửi con về nhà ông bà nội. Cho đến nay, đã hơn một tháng cả 2 vợ chồng chưa được về gặp con. Đều đặn 6 tiếng mỗi ngày, tôi làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, trực chốt phong tỏa tại phường Văn Miếu. Vì nhà cách điểm trực hơn 13 cây số nên nhiều ngày tôi dậy từ 4 giờ 30 sáng để chuẩn bị sẵn sàng để điến trực đúng 6 giờ giao ca cho đồng đội. Hết ca trực chốt, tôi trở về đơn vị tiếp tục công tác chuyên môn nên cũng có ngày rời nhà từ 5 giờ sáng đến 21 giờ tối mới trở về. Công việc có vất vả nhưng các anh chị em đồng đội đều như vậy, mọi người đều động viên nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ” - Thượng úy Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.
Khi tôi nhắc đến 2 đứa con của chị đang nhờ ông bà nội chăm sóc, bất giác chị lặng người đi, những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài qua lớp khẩu trang và chị nói với tôi trong xúc động: “Nhớ con lắm chứ! Lần đầu tiên mình xa con lâu đến vậy. Mặc dù con ở nhà ông bà hàng ngày vẫn gọi video với vợ chồng mình nhưng nhiều đêm nhớ con không ngủ nổi”.
Lấy lại bình tĩnh, kìm nén lại cảm xúc chị Huyền kể: "Có đêm khoảng 23 giờ, mình thấy chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia là Muối đang òa khóc nức nở. Con khóc nói nhớ bố mẹ, con xin cho về ngủ với mẹ một đêm thôi, ngày mai con lại về với ông bà để bố mẹ tiếp tục đi chống dịch". 
Sự hiểu chuyện của một đứa bé 3 tuổi khiến một người vẫn hay được gọi là những “bông hồng thép” như chị không kìm nổi cảm xúc khi thấy thương con. Dường như, trong ký ức của chị luôn là hình ảnh mỗi hôm hết giờ trực, được hai con gọi điện hỏi thăm. Chưa kịp chào mẹ câu nào, chúng chỉ liên tục hỏi dồn dập: “Mẹ về chưa? Mẹ có mệt không? Bao giờ mẹ về?” khiến chị chỉ biết gạt nước mắt và trả lời con rằng mẹ sẽ về khi chiến thắng con Covid.
 Một nữ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trong ''vùng đỏ'' phường Văn Miếu.
Luôn song hành cùng đồng đội trong mọi hoàn cảnh
Cũng giống như Thượng úy Nguyễn Thị Thu Huyền thì câu chuyện cũng như sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của người mẹ trẻ - Thượng úy Tô Thị Hồng Hạnh (cán bộ Đội Chính trị hậu cần, Công an quận Đống Đa) cũng khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Qua nói chuyện với Thượng úy Tô Thị Hồng Hạnh mới biết, chị mới sinh bé đầu lòng được 10 tháng thì nhận nhiệm vụ tăng cường chống dịch tại các phường Kim Liên, Hàng Bột từ ngày 24/7 khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, hàng ngày, chị Hạnh vẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị và tham gia trực chốt.
“Mỗi ngày, anh em làm nhiệm vụ tại chốt có 3 ca thay phiên nhau. Có hôm tôi trực sáng cũng có hôm trực ca tối đến 24 giờ đêm. Do con nhỏ nên cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng đồng chí đồng đội đều đã căng sức làm nhiệm vụ nên mình cũng cùng hỗ trợ, chỉ mong sao dịch bệnh chóng qua đi để cuộc sống người dân trở về bình thường” - Thượng úy Tô Thị Hồng Hạnh tâm sự.
Chia sẻ về việc phải vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, chị Hạnh cho biết: “Do vẫn trong thời gian cho con bú nên tôi chưa thể tiêm vaccine. Trong khi đó lại làm việc ở chốt tiếp xúc với nhiều người nên bản thân luôn tự nhủ phải tuân thủ 5K và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân, gia đình. Rất may, có chồng luôn thấu hiểu, động viên, chia sẻ giúp đỡ. Nhiều khi trực đêm về muộn, chồng tôi phải kiêm luôn vai mẹ để chăm con”.
Làm nhiệm vụ trong các "vùng đỏ" đối với nam giới đã đầy những khó khăn, vất vả, đối với các nữ chiến sỹ vừa phải đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ thì sự vất vả còn nhân lên nhiều lần. Thế nhưng, vượt qua tất cả, những “bông hồng thép” của Công an quận Đống Đa vẫn luôn sẵn sàng lao vào “vùng đỏ” chia sẻ khó khăn với đồng đội để quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần cùng TP sớm khống chế được dịch bệnh để trả lại cuộc sống bình thường mới cho người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần