Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển vụ án “Thiền am bên bờ vũ trụ” lên Công an tỉnh Long An

TRÚC MAI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lý do chuyển hồ sơ vụ án từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa đến Công an tỉnh Long An để thực hiện điều tra theo thẩm quyền.

Công an tỉnh tiếp tục điều tra theo thẩm quyền

Ngày 25/2, Viện KSND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết đã ra quyết định chuyển vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do Công an huyện Đức Hòa khởi tố ngày 3/1, đến cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An để điều tra theo thẩm quyền.

Quyết định chuyển vụ án đến cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Quyết định chuyển vụ án đến cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Quyết định của Viện KSND huyện Đức Hòa cũng yêu cầu Công an huyện thực hiện việc chuyển hồ sơ vụ án, vật chứng và bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trước đó Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa và một số cơ quan của tỉnh Long An nhận nhiều đơn tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi sai phạm của một số trường hợp sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) nơi tự xưng là “Tịnh thất Bồng Lai”, hiện nay là “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Đơn thư tố cáo của người dân đa phần bức xúc các hoạt động lợi dụng tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi từ thiện; Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân, loạn luân... gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại phương. 

Ngày 3/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” được quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015. Đến ngày 7/1, ra quyết định khởi tố 4 bị can ngụ tại “Thiền am bên bờ vũ trụ” ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa.

4 bị can bị khởi tố, gồm: Lê Tùng Vân (SN 1932), Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991), Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995).

Trong 4 bị can bị khởi tố, cơ quan công an bắt tạm giam 3 bị can: Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương. Riêng bị can Lê Tùng Vân bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

5 luật sư khiếu nại điều tra viên và kiểm sát viên

Liên quan đến vụ án nêu trên, 5 luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh là những người đăng ký bào chữa cho 4 bị can nêu trên đã có đơn khiếu nại về một số hành vi thiếu chuẩn mực, một số vi phạm pháp luật của điều tra viên (ĐTV) và kiểm sát viên (KSV) thuộc Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Đức Hòa khi làm việc với bị can.

Cụ thể, đơn của 5 luật sư khiếu nại tác phong làm việc của ĐTV Mai Hữu Trí không bảo đảm tính khách quan. Đó là đọc sai Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về quyền và nghĩa vụ của bị can; Ghi biên bản không đúng với lời khai của bị can Lê Thanh Nhất Nguyên, khiến bị can phản ứng bằng cách không ký biên bản làm việc, đồng thời bị can báo cho luật sư biết các buổi làm việc trước đó cũng như vậy!

“Mặc dù làm việc với bị can trước sự có mặt của luật sư nhưng ĐTV… luôn quát nạt, lớn tiếng, xưng hô cộc lốc với bị can, tạo không khí làm việc hết sức căng thẳng không cần thiết, không phù hợp với cách làm việc theo nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được quy định tại điều 13 BLTTHS. Vì bị can Nguyên không phải là tội phạm khi chưa có bản án của tòa án”, đơn khiếu nại của 5 luật sư, nêu.

Ngoài ra, các luật sư còn khẳng định ĐTV Trí làm trái quy định Điều 73 BLTTHS về quyền của người bào chữa, khi yêu cầu luật sư phải đăng ký câu hỏi (trước khi tham gia xét hỏi bị can) để đội trưởng duyệt. Nếu không ghi trước câu hỏi sẽ không được quyền hỏi bị can trong buổi làm việc.

Chưa kể, trong khi ĐTV yêu cầu tất cả luật sư nộp lại điện thoại di động ngoài phòng hỏi cung (theo quy định), phải đeo kính chống giọt bắn để phòng chống dịch Covid-19, các luật sư chấp hành  nhưng bản thân ĐTV Mai Hữu Trí lại không tuân thủ hai yêu cầu do chính mình đưa ra.

Đối với KSV Huỳnh Huệ khi làm việc lại đến trễ nên không thể biết để thực hiện quyền kiểm sát việc thi hành pháp luật của ĐTV (không phổ biến về quyền của bị can trong phần đầu làm việc); Dành toàn bộ thời gian để sử dụng điện thoại di động và không đeo kính chống giọt bắn.

 

Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa, vào năm 2014 bà Cao Thị Cúc (hộ khẩu thường trú xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) mua lại nhà, đất gần 2.000m2 tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An rồi chuyển về đây sinh sống, sau đó sửa chữa làm điểm tu tại gia. 

Còn bị can Lê Tùng Vân trước kia thường trú tại phường 10, quận 6 (TP Hồ Chí Minh), sau đó chuyển về xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh lập ra “Trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức” và phong mình làm giám đốc. Năm 2007, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định chấm dứt hoạt động của “Trại dưỡng lão” vì hoạt động không đúng quy định pháp luật.

Sau đó, ông Lê Tùng Vân bán hết đất tại xã Phạm Văn Hai, rồi chuyển về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc từ năm 2015, tiếp tục hành nghề nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ nhằm kêu gọi tiền từ thiện ở khắp nơi để trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, những đứa trẻ “mồ côi” sống ở hộ bà Cúc đều có mẹ ở cùng, không phải trẻ “mồ côi” hay cơ nhỡ. Trong 18 người cư trú tại hộ bá Cúc, có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.