Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CLB Hà Nội tại AFC Cup 2019: Đáng chê nếu không đi tiếp

Bài, ảnh: Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Hà Nội FC để thua Yangon United (Myanmar) trên sân nhà, câu hỏi cũ lại được người hâm mộ đặt ra ở các mùa giải trước: Liệu rằng các đội bóng lại buông xuôi với đấu trường châu lục?

Lời hứa suông
Kết thúc mùa giải 2018, hai CLB đại diện của Việt Nam giành vé tham dự giải đấu cấp châu lục là Hà Nội FC và Becamex Bình Dương. Mở đầu mùa giải, Hà Nội FC đã cho thấy tham vọng lớn của mình tại đấu trường năm nay bằng những bản hợp động chất lượng.
Trong trận mở màn, đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm cho thấy sức mạnh và khát khao vươn ra biển lớn với màn thể hiện ấn tượng, khi đánh bại Bangkok United với tỷ số 1 - 0 ngay trên đất Thái và chỉ thua Shandong Luneng (Trung Quốc) với tỉ số 1 - 4.
 Một tình huống trong trận đấu giữa Hà Nội FC và Yangon United.
Sau đó, đội bóng Thủ đô lại khẳng định sức mạnh khi lập công trong trận với CLB Nagaworld (Campuchia). Tuy nhiên, ở hai trận đấu Hà Nội FC chỉ có được 1 điểm trên sân của Tampinies Rover và thua trước Yangon United. Nhìn vào bảng xếp hạng lúc này, Hà Nội FC đang có được 4 điểm, đứng vị trí thứ 2, nhưng vẫn chưa thể nắm lợi thế trong cuộc cạnh tranh vé đi tiếp.
Có thể thấy, dù thất bại trước Yangon United chưa lấy hết đi cơ hội của Hà Nội FC, nhưng phần nào đánh mất đi niềm tin nơi người hâm mộ. Hơn nữa, lời tuyên bố của Chủ tịch đội bóng Nguyễn Quốc Hội sẽ đưa Hà Nội FC vươn tầm châu lục đang dần bị lãng quên và khó có thể trở thành hiện thực.
Trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị, HLV Lê Thụy Hải cho biết: “Trận thua của Hà Nội FC là việc bình thường, bóng đá là như vậy. Thực tế Hà Nội FC vẫn ép đối thủ hoàn toàn, nên thua một trận đừng đánh giá Hà Nội FC thua bạc nhược. Bóng đá cần phải có thắng có thua” - HLV Lê Thụy Hải nói.
Nhiệm vụ quá tầm
Trong lịch sử AFC Cup của bóng đá Việt Nam, lần gần nhất là vào năm 2014 có CLB lọt vào đến vòng đấu 8 đội mạnh nhất là Hà Nội T&T - tiền thân của Hà Nội FC hiện tại và Xi măng The Vissai Ninh Bình - đội bóng đã giải thể.
Trước đó, SHB Đà Nẵng cũng từng lọt đến tứ kết năm 2010, và Becamex Bình Dương đã đi vào lịch sử khi lọt vào bán kết AFC Cup 2009. Nhưng từ năm 2015, các đại diện của Việt Nam như Sông Lam Nghệ An, FLC Thanh Hóa, Than Quảng Ninh,… đều không một lần vượt qua vòng bảng AFC Cup.
Nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam lại vắng mặt các CLB tại đấu trường châu lục là việc thua kém hơn so với các đối thủ và việc đầu tư không tốt về mặt chất lượng cầu thủ. Bên cạnh đó, với lịch thi đấu quá dày tại đấu trường nội cũng như áp lực về thành tích cũng khiến các CLB không còn mặn mà với giải đấu này.
Thành công vang dội của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua là bước đệm và tiền đề cho nhiều CLB thể hiện khát khao và chứng minh muốn vươn ra biển lớn. Theo HLV Lê Thụy Hải, trước đây kinh tế có hạn nên các đội bóng hay “ông bầu” sẽ dè chừng đầu tư, nhưng đến thời điểm hiện tại đã khác, đặc biệt nhìn vào những thay đổi của Hà Nội FC.
“Với cá nhân tôi, Hà Nội FC xứng đáng đi tiếp ở AFC Cup. Lâu lắm rồi tôi mới thấy một đội có thể đạt được tới tầm cao, có thể vươn ra ngoài châu lục, có nhiều cầu thủ trẻ, được thi đấu nhiều ở đấu trường quốc tế. Nếu Hà Nội FC không thể đi tiếp thì đáng chê trách và đáng tiếc” - HLV Lê Thụy Hải cho biết.
Với Hà Nội FC cơ hội để vượt qua vòng bảng và đi xa hơn tại AFC Cup là rất lớn, song với những gì đã thể hiện, đội bóng Thủ đô cần cải thiện hơn nữa trước khi mơ về một tương lại xa hơn. Đặc biệt trong bối cảnh mà các đội bóng trong khu vực đang cho thấy trỗi dậy mạnh mẽ như thời gian qua.