Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có ai còn nhớ bình hoa cổ truyền ngày Tết?

Vy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày giáp Tết, phố Hà thành tấp nập với dòng người, xe ngược xuôi, vội vã. Con đường thân quen sớm nay chợt bừng lên sắc Xuân với bao hàng hoa ăm ắp sắc màu của vi-ô-lét, thược dược, cánh bướm...

Có ai còn nhớ bình hoa cổ truyền ngày Tết? - Ảnh 1
Bình hoa cổ truyền ngày Tết mang nét đặc sắc riêng của Tết Hà thành. Ảnh: Vy Anh

 

Tôi lặng ngắm những loài hoa cổ truyền, cảm giác Tết đang đến thật gần với bao ký ức thân thương của ngày tháng cũ. Một câu hỏi cứ mãi vấn vương trong đầu tôi theo từng vòng bánh xe lăn: “Giờ đây, có ai còn nhớ bình hoa cổ truyền ngày Tết?”.

Nhớ những ngày còn nhỏ, sáng tất niên, mẹ thường đèo tôi lên phố Hàng Lược, đi chơi chợ hoa. Sau khi dạo một vòng chợ, mẹ chọn vài cành hoa thược dược, một bó vi-ô-lét, thêm hoa đồng tiền, hoa lay-ơn, hoa cánh bướm nữa. Khi về tới nhà, mẹ hướng dẫn tôi ngâm bó hoa vào xô nước. Những bông hoa sau khi được “uống nước” khoảng vài tiếng đã tươi tỉnh sẽ được mẹ tôi cắm vào chiếc bình men rạn trắng ngà.

Mẹ tôi cắm hoa thong thả. Vừa cắm, vừa rủ rỉ nói cho tôi biết ý nghĩa các loài hoa trong bình hoa cổ truyền ngày Tết. Người Hà thành cắm hoa thược dược vào dịp Tết, bởi theo quan niệm truyền thống, đây là loài hoa được tôn vinh là hoa tướng, sau mẫu đơn - hoa vương. Hoa lay-ơn mang đến may mắn trong việc học hành, khoa bảng. Hoa vi-ô-lét tượng trưng cho hạnh phúc, sự kết nối tình thân trong gia đình. Hoa đồng tiền mang đến tài lộc...

Chẳng mấy chốc, phòng khách nhà tôi đã bừng sáng với bình hoa cổ truyền khoe dáng. Với sự khéo léo của mẹ, các loại hoa được kết hợp với nhau thật tinh tế. Thược dược rực rỡ, lay-ơn cứng cáp, violet tím nhạt, hoa cánh bướm dịu dàng, hoa đồng tiền đơn đỏ thắm, đồng tiền kép hồng nhạt... Năm nào cũng vậy, mẹ tôi thường cố tìm bằng được một bông hoa thược dược “miến” với màu đỏ đậm pha lẫn một xíu trắng ở cánh hoa bên trong. Thật lạ, chỉ một bình hoa mà ngỡ như cả mùa Xuân đang hiện hữu nơi đây.

Có một điều khá thú vị, vào dịp Tết, người Hà thành chơi nhiều loại hoa, cây cảnh nhưng nhất định phải có một bình hoa cổ truyền. Các bà, các mẹ thường “truyền” cho các cô con gái, con dâu cách chọn và cắm hoa sao cho tinh tế. Có khá nhiều kinh nghiệm để giữ bình hoa ngày Tết được tươi lâu. Mẹ tôi thường tỉa hết lá phía dưới cành để tránh lá rữa mục trong bình khiến hoa nhanh héo. Theo kinh nghiệm, dùng một con dao sắc cắt vát cuống hoa khi vẫn ngâm trong chậu nước sẽ giúp hoa dễ hút nước và tươi lâu hơn.

Thời xưa, chưa có các loại thuốc để “dưỡng hoa”. Vậy nên, các bà, các mẹ truyền nhau kinh nghiệm, cho vào nước cắm hoa một trong các loại sau: thuốc B1, thuốc Aspirin, giấm trắng, đường, nước cốt chanh... Và điều quan trọng nhất để giữ hoa tươi lâu, đó là, thường xuyên thay nước cho hoa.

Người Hà Nội phương xa thường luyến nhớ những điều thật giản đơn. Có Tết xa nhà, tôi nhớ da diết không khí chộn rộn những ngày giáp Tết. Nhớ làn mưa bụi lất phất phủ lên vạn vật tấm khăn voan mờ ảo; nhớ hương trầm ngan ngát lan trong gió Xuân; nhớ bình hoa cổ truyền ngày Tết ẩn chứa bao ý nghĩa sâu sắc.

Năm tháng trôi, mẹ của tôi không còn trẻ nữa. Vậy nhưng, bà vẫn duy trì thói quen cắm bình hoa cổ truyền vào ngày Tết. Thú chơi hoa của người Hà thành thấm cốt cách thanh tao, thẩm mỹ tinh tế và được ấp ủ kết nối qua nhiều thế hệ.

Như một lời ước hẹn, mỗi khi Tết đến, tôi lại cắm một bình hoa cổ truyền. Mỗi khi cắm hoa, tôi lại thầm nhủ: “Có ai còn nhớ bình hoa cổ truyền ngày Tết?”.