Theo Bộ Tài chính, việc vay và trả nợ vay hiện nay đang thực hiện theo kế hoạch, dự toán được duyệt. Biện pháp vay đảo nợ (vay mới, trả nợ cũ) cũng chỉ là biện pháp nghiệp vụ thông thường nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.
Cần xem xét nợ công dưới nhiều góc độ
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 2010 - 2015, tổng huy động nợ công của Việt Nam đạt bình quân 14% GDP, chiếm khoảng 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tốc độ tăng bình quân hàng năm nhanh (mức 18,6%/năm). Trong đó, nguồn vốn huy động của Chính phủ chiếm 76,4% (bình quân 360 nghìn tỷ đồng/năm), vay Chính phủ bảo lãnh chiếm 20,3% (bình quân 93 nghìn tỷ đồng/năm, vay chính quyền địa phương chiếm 3,3% (trên 15 nghìn tỷ đồng/năm).
Thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, chưa tính số đảo nợ thì số trả nợ của năm 2014 ước khoảng hơn 141 nghìn tỷ đồng, năm 2015 khoảng hơn 166 nghìn tỷ đồng. Nợ công so với GDP năm 2014 ước khoảng 59,6% GDP, ước tính năm 2015 là 62,3%, nằm trong giới hạn cho phép không quá 65% GDP. Việc tổ chức thực hiện trả nợ luôn đảm bảo đúng nghĩa vụ nợ đến hạn hàng năm. Đặc biệt đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn NSNN để trả nợ cho các nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ đúng hạn, đảm bảo trong giới hạn cho phép, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia trên trường quốc tế.
Đánh giá về nợ công, một số chuyên gia kinh tế đã đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính khi cho rằng, quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao, gần với ngưỡng được Quốc hội (QH) cho phép. Tuy nhiên, trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên vẫn cần thiết phải huy động vốn vay để đầu tư phát triển, do đó, nợ công có quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, an toàn nợ công thể hiện ở việc chúng ta có khả năng thu xếp, bố trí để chi trả các khoản vay nợ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay. Vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đưa vào các lĩnh vực thực sự cần thiết và được sử dụng một cách tiết kiệm sẽ làm cho kinh tế phát triển, tạo ra nguồn lực để trả nợ trong tương lai.
Thận trọng hơn, bình luận về các con số Chính phủ vừa báo cáo QH: “nợ công vào khoảng 62,3% GDP, nằm trong giới hạn an toàn theo quy định và đều thấp hơn các mức dự tính cuối năm 2014”, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cho rằng, quan trọng là cập nhật tỷ lệ nợ công so với GDP thay đổi phụ thuộc vào quy mô của mức dư nợ công. Nếu dư nợ công tăng, GDP cố định, thì tỷ lệ tăng. Ngược lại, GDP tăng quy mô mà nhanh hơn tốc độ tăng nợ công, thì tỷ lệ thấp hơn. Theo ông Bùi Đức Thụ, việc thay đổi tỷ lệ nợ công/GDP phải xem xét nhiều góc độ, nếu chỉ xem xét ở góc độ trên nợ công, thì phải phân tích trên nhiều yếu tố để có đánh giá phù hợp. Ông Bùi Đức Thụ cho rằng, thực trạng cân đối ngân sách của chúng ta khó khăn, bội chi có xu hướng tăng, vì vậy, dẫn đến áp lực tăng nợ công. Năm 2016, xét về tỷ trọng bội chi ngân sách có giảm so với 2015, nhưng số tuyệt đối lại tăng, cho thấy cân đối ngân sách khó khăn, dù nợ công vẫn trong giới hạn.
Cẩn trọng “nợ tư” biến thành “nợ công”
Trao đổi với Báo Hải quan về việc trong tương lai gần có phải điều chỉnh trần nợ công hay không, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng: “Quan điểm của tôi là không bao giờ, chỉ giảm thôi!”. Ông Hiển cho biết, ngay trong định hướng đến năm 2020, trần nợ công phải giảm nữa, không phải ở mức 65%/GDP và bội chi cũng phải giảm theo thông lệ quốc tế, bởi: “Có như thế mới bảo đảm cân đối ngân sách trong tương lai được”. Ông Phùng Quốc Hiển cũng cảnh báo, phải “cẩn thận nợ tư bến thành nợ công”. Bởi vì kinh nghiệm quản lý nợ ở một số nước bị vỡ nợ cho thấy là do nợ tư. Thậm chí một số nước là thặng dư ngân sách, nhưng đứng ra giải cứu DN, nợ tư thành nợ công. “Cho nên phải rạch ròi ra, nợ của DN thì DN phải lo, còn cái nào của Nhà nước thì Nhà nước xử lý”, ông Hiển chia sẻ.
Trong phiên thảo luận về dự toán NSNN 2015-2016, ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, nợ công của chúng ta tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm khoảng hơn 20%. Qua tiếp xúc với cử tri, người dân đang đặc biệt quan tâm tới vấn đề cân đối NSNN. “Không thể phủ nhận, việc vay nợ trong thời gian qua chi cho đầu tư phát triển đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, thúc đẩy kinh tế phát triển, nguồn nhân lực có chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư và cuộc sống người dân. Tuy nhiên, việc tăng chi đầu tư chủ yếu là vốn vay chứ không phải tích lũy của nền kinh tế đang dần trở thành gánh nặng cho NSNN”, ông Trần Văn phân tích.
Dự kiến trong những năm tới cân đối NSNN tiếp tục khó khăn do đó việc cơ cấu lại NSNN, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư để tăng khả năng trả nợ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia… là rất quan trọng. Theo ông Trần Văn, cần phải tính toán kỹ, có vay phải có trả, nhưng trả lúc nào, trả bao nhiêu phải được xác định từ lúc vay nợ. Bên cạnh đó, cần thiết phải “tạm thời đóng băng mức bội chi NSNN 254 nghìn tỷ đồng năm 2016 cũng như cho 3 năm kế, để giảm tỷ lệ bội chi theo GDP khi xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn, và mục tiêu vay để trả nợ quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Vay đảo nợ để cơ cấu lại nợ
Kiến nghị cử tri gửi về Bộ Tài chính cũng bày tỏ băn khoăn việc “vay nợ để trả nợ” sẽ càng làm cho dư nợ ngày càng tăng. Cử tri đề nghị nghiên cứu áp dụng những giải pháp mang tính khả thi và đem lại hiệu quả cao hơn.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, do áp lực tăng chi lớn từ NSNN cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh...; trong khi thu NSNN tuy có tăng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu chi, nên NSNN phải bội chi.
Theo Bộ Tài chính, bội chi ngân sách thực chất là tranh thủ nguồn vay để đầu tư hạ tầng cơ sở kinh tế- xã hội không có khả năng thu hồi vốn phục vụ cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Nếu vay về sử dụng đầu tư dự án có hiệu quả, trả được nợ thì bội chi NSNN là tích cực và cần thiết. Trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục bội chi NSNN để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nhu cầu tối thiểu đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện còn rất yếu kém; đồng thời, cũng còn nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay ODA đang trong quá trình triển khai, cần tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh giải ngân để hoàn thành dự án.
Để bù đắp bội chi và cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã tính toán rất kỹ các phương án huy động vốn và tác động tới việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, khả năng trả nợ... với mục tiêu vừa thu hút nguồn vốn nước ngoài vừa đảm bảo nợ công trong phạm vi QH cho phép; trên cơ sở đó, trình QH thông qua kế hoạch vay, trả nợ hàng năm và nghiêm túc triển khai thực hiện. Thực tế, đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 59,6% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,4% GDP; dự kiến đến hết năm 2015 dư nợ công bằng 62,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 49,1% GDP, trong giới hạn QH cho phép
Việc vay và trả nợ vay là theo kế hoạch, dự toán được duyệt. Biện pháp vay đảo nợ (vay mới, trả nợ cũ) cũng chỉ là biện pháp nghiệp vụ thông thường nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2015 cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ; quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài. Đồng thời, tăng cường quản lý các khoản vay mới, khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện; bảo đảm kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.
Trong trước mắt và lâu dài, Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay trung và dài hạn với lãi suất phù hợp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu của đất nước. Ngoài ra, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; nghiên cứu, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm phát triển thị trường tài chính hiệu quả, an toàn, lành mạnh... để đảm bảo an toàn nợ công, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Cơ cấu các khoản nợ theo hướng bền vững, hiệu quả
|