Cơ cấu lại nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững

Thủy Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tham luận gửi về hội thảo khoa học “Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” do TP Hà Nội tổ chức, các chuyên gia, lãnh đạo TP Hà Nội đã làm rõ hơn về những đặc thù của Hà Nội trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Phát triển kinh tế không được cản trở vai trò trung tâm đầu não chính trị của Thủ đô 

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối chung, nhưng khi áp dụng vào Thủ đô Hà Nội - một đô thị hạng đặc biệt trực thuộc T.Ư - cùng với những giá trị phổ quát cần chú ý đến tính đặc thù. Với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội phải góp phần vào củng cố vị thế quốc đô của đơn vị hành chính - lãnh thổ đặc biệt này, phải đi tiên phong cả trong phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế và thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. 
 Ảnh minh họa. 
Phát triển kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ thể hiện ở thúc đẩy tính đồng bộ của các yếu tố thị trường, các loại thị trường; mức độ tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường; sự phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế; chính quyền thành phố được đổi mới để tham dự và thúc đẩy có hiệu quả vào phát triển thị trường hiện đại, đầy đủ, can thiệp vào kinh tế phải góp phần khắc phục thất bại của thị trường, không được làm suy giảm hiệu lực của cơ chế thị trường. 
Định hướng xã hội chủ nghĩa trong trường hợp Thủ đô Hà Nội chính là phát triển kinh tế không được cản trở, gây tổn hại đến thực hiện chức năng trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, phải có năng lực dẫn dắt của Thủ đô đối với cả nước, phải tiêu biểu cho bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, phải định hình được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các chủ thể thị trường thực hiện nghiêm theo pháp luật.
Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm văn hóa lớn, Hà Nội phải tiêu biểu cho việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, biến các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực văn hóa phục vụ cho tăng trưởng và phát triển, nhất là phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo. Các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội phải thấm sâu vào mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trở thành nguồn động lực nội sinh, định hình bản sắc và cốt cách trong quản lý và phát triển Thủ đô. Trong kinh tế thị trường, sức cạnh tranh của đô thị Hà Nội tùy thuộc rất nhiều vào phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, khẳng định bản sắc đô thị, gia cường năng lực hội tụ và lan tỏa của Hà Nội với cả nước, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” của đất nước trong hội nhập quốc tế.
Cần lưu ý rằng, phát triển kinh tế đô thị của Hà Nội dù có vai trò rất quan trọng nhưng không được lấn át, ảnh hưởng, cản trở khả năng thực hiện vai trò trung tâm đầu não chính trị. Khai khác mọi tiềm năng Thủ đô cho phát triển kinh tế đô thị với cơ cấu kinh tế phù hợp từ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, các ngành nghề thủ công, kinh tế hè phố, kinh tế ban đêm. 
Tuy vậy, yêu cầu thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội cũng cao hơn các địa phương khác, nhất là gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa, thu hút đầu tư với chăm lo đời sống công nhân khu công nghiệp, các vấn đề của người nhập cư, người nghèo đô thị. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương quy hoạch đô thị, bảo đảm phúc lợi phi thu nhập cho cư dân đô thị bằng duy trì đúng tỷ lệ khoảng trống, cây xanh, công viên, ao hồ, đường sá, vỉa hè,... gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, đầu tư công vào khu vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, gồm cả phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh: Đổi mới mô hình tăng trưởng với trọng tâm là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề lớn, quan trọng, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong đường lối đổi mới đất nước. Với vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước, có truyền thống ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn nêu cao trách nhiệm trong việc chủ động nhận thức, tiên phong thực hiện, nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉđạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả, tạo ra những bước chuyển biến mới, toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động. 
Kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng khá, chống chịu tốt trước những tác động từ bên ngoài, nhất là đại dịch Covid-19, tuy nhiên giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành kế hoạch đề ra và chưa hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Năm 2021 tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tăng trưởng dự kiến đạt thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra nhưng chưa được khắc phục, nhất là chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô và nhìn chung chưa tạo được các “đột phá lớn” trong phát triển.
Vì thế, trong thời gian tới, TP sẽ tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục phát triển đầy đủ, đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là: Thị trường quyền sử dụng đất; Thị trường khoa học, công nghệ; Thị trường tài chính, tiền tệ; Thị trường lao động. Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế Thủ đô theo hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững. 
TP sẽ tập trung tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, trọng tâm là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn). Đưa ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó ưu tiên hàng đầu cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự, xã hội. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số; định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Tăng cường liên kết giữa các khu vực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế gắn với phát triển đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực phía Tây Nam TP.