Sáng 15/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khoá XV đã thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và ủng hộ các cơ chế, chính sách được đề ra trong Dự thảo Nghị quyết; đồng thời, đề xuất bổ sung cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài, dự án quốc tế cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước, ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: Quochoi.vn](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/15f9caae90-04b3-4fac-933a-5f076b73ca7c.png)
Dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng trưởng 8%
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, muốn tăng trưởng 8% trong năm nay phải dựa vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho giai đoạn 2026-2030. Tăng trưởng 2 con số thì cũng lấy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng quan trọng.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, Ủy ban Khoa học công nghệ, môi trường của Quốc hội đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị để đưa vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Sau Kỳ họp bất thường này, Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội sẽ có hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề đưa trong Dự thảo Nghị quyết này là những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm chứng minh là phải sửa ngay để triển khai. Đồng thời, nghị quyết cần thể hiện ngắn, gọn, tập trung trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% thì việc tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển rất quan trọng bởi trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, hầu như các doanh nghiệp tư nhân là những người đi đầu. Vì vậy, nghị quyết ra đời cần phải khuyến khích và ban hành, triển khai được ngay.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: Quochoi.vn](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/15789fe2c2-c51e-4c31-baa3-79c996b53a38.png)
Đối với một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ hơn đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan, mà trong Dự thảo Nghị quyết chưa có. Với lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, cần phân rõ lĩnh vực nào là khoa học công nghệ, lĩnh vực nào là đổi mới sáng tạo, lĩnh vực nào là chuyển đổi số.
Thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm với người thực hiện
Tham gia thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, Chính phủ đã tranh thủ thời gian tối đa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan của Quốc hội đã rất tích cực trong việc hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một số cơ chế đặc biệt, chứ không phải đặc thù thì mới làm được và thật sự đổi mới. Đó là cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hạ tầng này hiện nay rất yếu trong khi nguồn lực cần rất lớn nên phải có cơ chế để huy động nguồn lực này từ người dân, doanh nghiệp, xã hội để phát triển hạ tầng này.
Nhấn mạnh mệnh đề của Nghị quyết 57-NQ/TW là lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhưng Dự thảo Nghị quyết lại dừng lại ở chỗ đổi mới sáng tạo mà không đề cập đến chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, cần bổ sung cho đầy đủ nội dung này vì chuyển đổi số quốc gia hiện nay là lĩnh vực mang tính thời sự nhất; liên quan đến nhiều lĩnh vực như số hóa, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tiếp đó là cơ chế đặc biệt cho quản lý như lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công trong các hoạt động khoa học công nghệ.
Cùng đó là cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học, công trình khoa học… có thể thương mại hóa được. Phải phân cấp, phần quyền cho các tỉnh, thành phố, bộ, ngành thậm chí các chủ thể liên quan; xóa bỏ xin - cho, giảm thủ tục hành chính và quản lý hiệu quả tổng thể.
![Quang cảnh thảo luận tại tổ 8 - Ảnh: Quochoi.vn](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/15/img-9441.jpeg)
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện nay Dự thảo Nghị quyết mới miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro với người soạn thảo mà chưa đề cập tới người thực hiện. Trong khi đó, thực hiện mới khó, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại sợ trách nhiệm, không muốn làm. Vì vậy, phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm với cả người thực hiện chứ không phải chỉ người thiết kế chính sách.
Ngoài ra, cần có cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực nhằm phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nhân lực từ bên ngoài để người ta về Việt Nam thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ bằng các chính sách thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…
Bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ nghiên cứu bổ sung những nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tất nhiên có cơ chế đặc biệt, phải thiết kế công cụ quản lý đặc biệt để không xảy ra vi phạm và nâng cao hiệu quả, không xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.