Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ chế hỗ trợ ngân sách địa phương trong phòng, chống Covid-19

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 gồm:

1- Kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020.
 Ảnh minh họa. Nguồn Internet

2- Kinh phí thực hiện cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ phụ cấp chống dịch (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ.

3- Kinh phí hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch Covid-19 trong 05 ngày tết Nguyên Đán năm Tân Sửu năm 2021 (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ.

Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Theo đó, với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại:

- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.

- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

- Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ nguồn 50% dự toán dự phòng của ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Kết thúc năm ngân sách, trường hợp ngân sách địa phương hụt thu, sau khi đã điều chỉnh giảm một số khoản chi và sử dụng nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mà phần hụt thu ngân sách địa phương lớn hơn dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ dự phòng ngân sách trung ương. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương không vượt quá 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao.