Theo đó, phương pháp tính giá cơ sở như sau: Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, giá CIF được tính bằng (=) giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) cộng (+) các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam.
Các yếu tố này được xác định ở nhiệt độ thực tế. Trong đó, giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam bao gồm: Cộng (+) hoặc trừ (-) Premium cộng (+) phí bảo hiểm cộng (+) cước vận tải về đến cảng Việt Nam cộng (+) các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong khâu nhập khẩu (nếu có); trong đó phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam được căn cứ theo mức trung bình tiên tiến phát sinh thực tế tại các thương nhân đầu mối.
Định kỳ hàng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm rà soát biến động của các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam và tổng hợp, báo cáo gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) chậm nhất trước ngày 31/3 của năm tài chính kế tiếp.
Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức để tính giá cơ sở theo mức tối đa như sau: Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng là: 1.050 đồng/lít; Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu điêzen, dầu hỏa là: 950 đồng/lít; Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu madút là: 600 đồng/kg. Trong đó, các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; riêng các loại dầu madút là chi phí bán buôn.
Các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu nước theo quy định của pháp luật.
Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút thực tế tiêu thụ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo thời điểm điều chỉnh mức trích Quỹ Bình ổn giá để thương nhân đầu mối thực hiện trong các trường hợp sau: Điều chỉnh giảm mức trích Quỹ Bình ổn giá dưới mức quy định tại khoản 2 Điều này khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân; Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với mức giá trước khi được điều chỉnh giảm quy định tại điểm a Khoản này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo thời điểm và mức trích Quỹ Bình ổn giá.
Số dư Quỹ Bình ổn giá cuối kỳ bằng (=) Số dư Quỹ Bình ổn giá đầu kỳ cộng (+) tổng mức trích lập Quỹ Bình ổn giá trong kỳ trừ (-) tổng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá trong kỳ cộng (+) phần lãi tính trên số dư Quỹ Bình ổn giá dương phát sinh trong kỳ trừ (-) phần lãi tính trên số dư Quỹ Bình ổn giá âm phát sinh trong kỳ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 11 năm 2014.
Ảnh minh họa.
|