Cơ chế mua sắm thuốc, thiết bị y tế có rất nhiều nút thắt

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 30 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đi vào thực tiễn còn gặp khó. Sự phối kết hợp giữa các sở ngành còn vướng; các văn bản hướng dẫn cụ thể còn chậm, chưa ban hành kịp thời.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận tại tổ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận tại tổ.

Sáng 6/1, tiếp tục chương trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu TP Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 30 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có tiền lệ; áp dụng các cơ chế đặc cách, đặc thù phòng chống dịch, trong đó có 7 Nghị quyết đặc thù về việc mua vaccine.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, việc ban hành Nghị quyết liên quan đến vaccine, mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương chứ chưa ban hành văn bản để giải quyết được các vướng mắc về công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại địa phương. Cụ thể là chưa ban hành các văn bản hướng dẫn mua sắm các vật tư  tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch khẩn cấp từng ngày từng giờ tại địa phương.

Vì vậy, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mong muốn Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương giải quyết khó khăn này; quy định giá vật tư tiêu hao trong bối cảnh chúng ta tiếp tục phải đối mặt với cách dịch bệnh khác.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, sau khi Nghị quyết 30 ra đời, việc hướng dẫn của Bộ ngành với địa phương còn chậm. Tuy nhiên việc hướng dẫn của một số địa phương tính toán chưa kỹ, chưa chặt chẽ nên việc thực hiện còn khó khăn. Nhất là việc thanh quyết toán cho người chưa bệnh Covid-19, cán bộ y tế cấp cơ sở, người tham gia phòng chống dịch chưa kịp thời.

“Sau khi đi giám sát việc thực hiện tại một số địa phương, có thể thấy rằng Nghị quyết 30 đi vào thực tiễn còn gặp khó. Sự phối kết hợp giữa các sở ngành còn vướng” – ĐB Trương Xuân Cừ nói.

Chính phủ phải sớm giải quyết, hỗ trợ kinh phí để thanh quyết toán; Kiến nghị Quốc hội làm tốt hơn nữa cho công tác tư tưởng chính trị cho cán bộ y tế. Cùng với đó, các chế độ chính sách cho cán bộ y tế cần phải quan tâm hơn nữa.

Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý báo cáo tổng kết Nghị quyết 30 cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định thanh, kiểm tra sau dịch bệnh.

“Tôi đi giám sát địa phương, anh em y tế nói Thanh tra, Kiểm toán, Công an chỉ quy định trên quy định hiện hành chứ không áp dụng các quy định của Nghị quyết Nghị quyết số 30. Trong khi thời kỳ dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hàng hóa y tế rất ít, phải tranh nhau, dùng các mối quan hệ để mua phục vụ phòng, chống dịch” - đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, gốc rễ của vấn đề là từ cơ chế mua sắm thuốc, thiết bị y tế có rất nhiều nút thắt, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch cũng như ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y tế.

Đại biểu cho rằng chính đại biểu Quốc hội cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Luật liên quan đến vấn đề này, dẫn đến phải có cơ chế chủ động, linh hoạt phòng, chống dịch bệnh như Nghị quyết số 30 quy định. Do đó, đại biểu cho rằng cần nâng cấp những nội dung của Nghị quyết số 30 thành luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn tỉnh Yên Bái) cho rằng việc thực hiện chi trả chế độ chính sách ở một số địa phương còn khó khăn, qua giám sát, khó khăn trong việc xác định đối tượng tham gia, xác định ngày công tham gia chống dịch ở mỗi địa phương lại có cách thực hiện khác nhau.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng chống dịch, cũng như dễ kiểm tra, giám sát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần