Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ hội cho các dự án năng lượng tái tạo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghị định thư Kyoto đã mở ra cho nhiều nước đang phát triển cơ hội phát triển kinh tế bền vững, đồng thời có thể thu được hàng triệu USD nhờ bán tín dụng phát thải CO2 thông qua việc triển khai dự án theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM).

Tuy nhiên hiện nay số dự án CDM được triển khai tại Việt Nam chưa nhiều và các bên vẫn còn rất lúng túng trong việc thực hiện dự án CDM.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Lê Văn Đông, đại diện cho Công ty LILAMA 10, đơn vị hiện đang xúc tiến đầu tư dự án thuỷ điện Nâm Công 3 tại Sơn La cho hay: Ông đã tìm hiểu rất nhiều về việc phát triển dự án CDM và nhận thấy lợi nhuận từ việc bán tín dụng phát thải CO2 của dự án là rất quan trọng tuy nhiên để thu được nguồn lợi này dự án phải trải qua rất nhiều thủ tục trong nước cũng như nước ngoài, do vậy đơn vị cần phải tìm kiếm đối tác làm tư vấn riêng cho lĩnh vực này. Hiện nay công ty chưa tìm được đối tác để triển khai phát triển dự án CDM.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải riêng Công ty LILAMA 10 mà rất nhiều công ty đang có ý định đầu tư phát triển năng lượng tái tạo cũng đang tìm hiểu về cách thức phát triển dự án CDM, tuy nhiên hiện nay chưa có dự án nào thu được lợi nhuận thật từ việc bán tín dụng phát thải CO2 nên các đơn vị vẫn đang loay hoay tìm kiếm một hình mẫu để làm theo.

Để triển khai dự án CDM, các đơn vị không chỉ phải tìm hiểu thông qua các công văn hướng dẫn của các bộ, ban, ngành mà còn phải tìm hiểu các quy định của Liên Hợp Quốc về lĩnh vực này, đây chính là rào cản tương đối lớn đối với các đơn vị trong nước.   

Điều đáng nói là Nghị định thư Kyoto chỉ có hiệu lực đến năm 2012. Và nếu các bên tham gia thực hiện dự án không sớm tận dụng được các ưu thế mà nghị định thư Kyoto mở ra thì sẽ có nguy cơ thiệt hại hàng triệu USD.