Cơ chế xin - cho là điều kiện “dung dưỡng” tham nhũng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định được đưa ra tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 diễn ra ngày 7/9.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Tư pháp. Ảnh Quochoi.vn.
“Tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”, nhận định này tiếp tục được Chính phủ đưa ra trong báo cáo năm 2016. Thống kê cho thấy, có 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng được ngành Thanh tra phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; 236 vụ án, 609 bị can phạm tội về tham nhũng được Cơ quan điều tra thụ lý điều tra từ 1/10/2015 - 31/7/2016; 236 vụ, 548 bị can về các tội danh tham nhũng được Viện KSND các cấp đã truy tố…

Theo Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt, trong thời gian qua, việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước, nhưng công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. “Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin - cho" là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng” - ông Đạt nêu.

Việc kê khai tài sản, thu nhập được nhận định vẫn còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Trong số 1.004.231 người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2015, đã công khai 993.127 bản kê khai. Tuy nhiên, chỉ có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực; không có trường hợp nào được phát hiện vi phạm quy định về nộp quà tặng.

Những nguyên nhân yếu kém trên, theo đánh giá của Chính phủ, do chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó, cơ chế, biện pháp, trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN thiếu tính khả thi, không đề cao vai trò đánh giá độc lập của xã hội.

Các ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng là việc thực hiện pháp luật về PCTN ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm; nói không đi đôi với làm; kỷ cương quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự (năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự). Việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Đồng thời, dư luận cũng phản ánh tình trạng người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị: Chính phủ cần chỉ cho Quốc hội những hạn chế trong PCTN nằm ở người nào, địa chỉ nào. Nếu cứ nêu một số cơ quan chưa quyết liệt, một bộ phận không nhỏ… nói thì hay nhưng nên đi thẳng vào để có địa chỉ nếu muốn làm thực sự. Về giải pháp hàng đầu là công khai minh bạch, nên đánh giá đi thẳng vào cơ quan nào chưa công khai minh bạch, cơ quan bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ ào ào. “Nếu không có địa chỉ thì mãi mãi chỉ thế mà thôi, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, báo cáo phải có địa chỉ cụ thể" - bà Nga nêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần