Có chứng nhận quốc tế, cà phê Việt vẫn cần phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có 3 yếu tố cơ bản để thành công trong sản xuất cà phê bền vững, đó là phải làm tốt công tác bảo vệ vườn cây, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, và cộng thưởng khuyến khích người lao động.

Niên vụ vừa qua, cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng cà phê của Việt Nam, vượt mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đặt ra. Sản xuất cà phê có chứng nhận giúp cả doanh nghiệp và người nông dân đều được lợi nhờ giá bán cao, còn các nhà nhập khẩu thì có nguồn hàng ổn định với chất lượng bảo đảm. Đây là dấu hiệu tốt giúp ngành cà phê Việt Nam nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nếu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nhiều cà phê chứng nhận chưa chắc đã thu được lợi ích tương xứng. Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống phải nhìn lại để cà phê Việt Nam phát triển bền vững, hài hoà.

 
Hiện cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng. (Ảnh: KT)
Hiện cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng. (Ảnh: KT)
Tại Đắk Lắk, Công ty cà phê Thắng Lợi đang cùng với nông dân sản xuất 1.200 ha cà phê theo chứng nhận của UTZ Certifed và Rain Forest. Phó Tổng giám đốc Công ty, ông Vũ Đình Nội cho biết, sản phẩm cà phê xuất khẩu của đơn vị luôn được lợi hơn khoảng 300 USD/tấn so với cà phê không có chứng nhận, do không bị trừ lùi mà lại được cộng thêm tiền thưởng chất lượng.

Cũng theo ông Vũ Đình Nội, có 3 yếu tố cơ bản để thành công trong sản xuất cà phê bền vững, đó là phải làm tốt công tác bảo vệ vườn cây, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, và cộng thưởng khuyến khích người lao động.

Việc sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận quốc tế đang được thực hiện rộng khắp ở Đắk Lắk cũng như cả vùng Tây Nguyên. Các loại hình cà phê chứng nhận phổ biến là 4C, UTZ , RFA (rừng nhiệt đới), và Fairtrade (thương mại công bằng). Đến nay cà phê có chứng nhận đã chiếm 1/3 diện tích, và đạt tới 58% tổng sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk. Tính chung toàn ngành cà phê, niên vụ vừa qua, cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng, sớm 2 năm so với mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đặt ra.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, sản xuất cà phê có chứng nhận không phải càng nhiều càng tốt, vì thực tế đã bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp khó bán được loại cà phê cao cấp này.

“Các doanh nghiệp cà phê đang liên kết với nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên việc phát triển cà phê có chứng nhận trong những năm vừa qua đã đi quá nhanh, có tình trạng sản xuất nhiều nhưng chưa bán được. Do đó, ngành cà phê địa phương cũng như quốc gia cần phải xác định sẽ làm cà phê có chứng nhận ở mức độ nào để duy trì được tính bền vững”, ông Minh cho biết.

Cũng với cái nhìn cẩn trọng, TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, cái khó của sản xuất cà phê có chứng nhận không là quy trình sản xuất, mà chính là thị trường tiêu thụ. 

Thực tế ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia sản xuất cà phê khác, không phải tất cả sản phẩm cà phê có chứng nhận đều dễ bán, vì các nhà rang xay luôn có tính toán riêng của mình, nhập nhiều loại cà phê, với giá cao thấp khác nhau để thu được lợi nhuận tối ưu. Nếu sản lượng cà phê chứng nhận dư thừa quá nhiều sẽ buộc phải bán với giá thông thường, dẫn đến thua thiệt.

TS. Lê Ngọc Báu cho rằng, các doanh nghiệp cần có thông tin cụ thể về nhu cầu của thị trường để sản xuất cà phê chứng nhận với quy mô phù hợp.

“Sản xuất cà phê có chứng nhận và tiêu thụ được cà phê theo chứng nhận bao giờ nó cũng có sự chênh lệch nhất định. Doanh nghiệp và người nông dân cần phải có những tính toán và dự báo tương đối sát, không phải cứ càng nhiều chứng nhận là càng tốt, làm sao phải bán được nhiều sản phẩm có chứng nhận mới là điều quan trọng”, TS. Lê Ngọc Báu khuyến cáo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần