KTĐT - Các danh hiệu văn hóa như "Gia đình văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", "Làng văn hóa", "Đơn vị văn hóa"... đã lần lượt ra đời và "trưởng thành" qua hành trình 10 năm cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Không chỉ những người chèo lái phong trào - các nhà quản lý văn hóa -mà cả chính người dân - những "tế bào" nhỏ làm nên cuộc vận động, cũng ghi nhận những đổi mới về ý thức, về thiết chế văn hóa và về đời sống mà cuộc vận động mang tính toàn dân này đem lại. Dẫu vậy, người ta vẫn chưa hết băn khoăn khi nói đến tính hình thức và "căn bệnh" thành tích còn ẩn hiện dưới các danh hiệu văn hóa kia.
Tối nay (23/2/2011), Lễ tôn vinh các tập thể, gia đình, cá nhân xuất sắc của phong trào sẽ vinh danh 29 tập thể được trao Huân chương Lao động hạng Ba, 28 tập thể và gia đình nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 451 tập thể, gia đình và cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Đấy là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa văn hóa được vun trồng suốt 10 năm. Cho đến nay, đã có trên 1,2 triệu "Người tốt việc tốt" được suy tôn ở các cấp, 16.026.599 gia đình văn hóa…
Không thể phủ nhận sự lan tỏa của cuộc vận động khi 98% khu dân cư trong cả nước cùng phấn đấu đến đích văn hóa, phong trào đã góp sức không nhỏ nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Ví như, hàng ngàn hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ phong trào đoàn kết giúp nhau làm kinh tế. Vai trò, vị trí của gia đình và cộng đồng được nâng lên trong xây dựng đời sống, tình làng nghĩa xóm được củng cố... Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được tiếp tục duy trì, phát triển, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Ghé thăm những làng nghèo của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bây giờ là thấy sự đổi thay khác hẳn những năm trước: Đường làng được bêtông hóa, lại thêm nhà văn hóa, thư viện…
Thực tế, danh hiệu văn hóa là đích để phấn đấu và cũng là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân, đơn vị nỗ lực vào cuộc. Quả thật, có nhiều làng, xã đã cố gắng hết mình để đổi thay, có những tổ dân phố thực sự nghiêm khắc trong mỗi lần họp tổ kiểm điểm… Những tấm biển ghi danh "Cụm dân cư văn hóa", "Ấp văn hóa"… giăng ngang lối vào xóm tựa như những cổng chào ngày một nhiều thêm. Nhưng cũng đã có những trường hợp "mắt thấy tai nghe" ồn lên từ chính những "cổng chào" văn hóa ấy. Chẳng nói đâu xa, như trường hợp cậu bé bị chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ gần hai năm trời là chuyện của Ấp văn hóa Phú Hiệp (Đầm Dơi, Cà Mau). Thử hỏi danh hiệu văn hóa ấy có phải là thực chất? ... có những thôn, làng văn hóa vẫn "dung nạp" người nghiện ma túy… Phải chăng, người ta vẫn còn quá dễ dãi và bao dung trước các danh hiệu văn hóa?
Sau 10 năm, con số "Gia đình văn hóa" được công nhận tăng gần gấp đôi. Với kết quả ấy, có thể nhiều người cho rằng, các câu chuyện buồn của danh hiệu văn hóa chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh", nhưng thực tế vẫn là thực tế. Thực tế ấy là lời nhắc đối với các nhà làm văn hóa khi triển khai phong trào và bình xét danh hiệu văn hóa. Thực tế ấy còn nhắc nhở những người làm văn hóa cả việc duy trì và giữ danh hiệu của các cá nhân, đơn vị đã được công nhận, nhắc cả việc kiểm tra, tước danh hiệu nếu cần.