Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ nhiều trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: 

Có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư Trần Viết Hà - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, các hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự, cần phải nghiêm trị...

Những ngày gần đây, truyền thông báo chí liên tục đưa tin về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh).

Theo đó, đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà G.T.S.H làm chủ, mở cửa từ 8 - 20 giờ hàng ngày, để nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tên T có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T "tác động vật lý" đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.

Bảo mẫu tên T xách tay một trẻ nhỏ kéo lê trong phòng. Ảnh: Báo Thanh niên
Bảo mẫu tên T xách tay một trẻ nhỏ kéo lê trong phòng. Ảnh: Báo Thanh niên

Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Viết Hà - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, các hành vi xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự, bởi trước hết phải hiểu rằng trẻ em là đối tượng bảo vệ cao nhất trong pháp luật và được xây dựng thành một văn bản pháp luật riêng, đó là Luật trẻ em năm 2016.

Tại Khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em thì hành vi bạo lực với trẻ em là một trong những hành vi bị cấm. “Bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em đều là trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật” - luật sư Hà nói.

Đối với những hình ảnh bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng lan truyền trên mạng, theo luật sư Hà, trước hết cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành xác minh vụ việc, sau đó nếu có đủ cơ sở thì sẽ tiến hành khởi tố vụ án để tiến hành khởi động quá trình điều tra. Quá trình điều tra sẽ tiến hành trích xuất video, lấy lời khai của các nhân chứng, các bảo mẫu và những người làm việc trong Mái ấm. 

Luật sư Trần Viết Hà - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hành động khẩn cấp trước mắt là thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại Mái ấm Hoa Hồng.
Luật sư Trần Viết Hà - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hành động khẩn cấp trước mắt là thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại Mái ấm Hoa Hồng.

Còn đối với các hành vi ngược đãi trong các đoạn video lan truyền, luật sư Hà đánh giá, có đủ cơ sở cấu thành tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Một tội pháp khác cũng có thể cấu thành trong trường hợp này đó là tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác" được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên để có cơ sở xác định kết luận cuối cùng, cần chờ đợi kết luận điều tra từ cơ quan Công an.

Cũng theo luật sư Hà, qua vụ việc này, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh khi ngày càng nhiều các đối tượng đánh vào sự thương cảm, tình thương giữa con người để tạo nên các mái ấm hoặc các cơ sở cưu mang những trẻ em mồ côi, những bà mẹ trẻ lầm lỡ. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ sở đó đều xuất phát từ tâm. Đôi khi đó là sự toan tính, lợi dụng bằng cách đánh vào sự tin tưởng của các mạnh thường quân để trục lợi. Do đó, trước khi có kế hoạch thực hiện việc thiện nguyện tại bất kỳ các tổ chức nào, mỗi nhà hảo tâm cần phải tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng để tránh việc lòng tốt bị lợi dụng.

 

Liên quan vụ trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng, chiều 4/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Hồ Chí Minh cho biết, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐTB&XH quận 12 cấp giấy phép hoạt động ngày 7/7/2023 với chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang; số lượng không quá 39 trẻ; địa bàn hoạt động tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là bà G.T.S.H (50 tuổi).

Tại thời điểm kiểm tra, Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên đang làm việc và 86 trẻ, trong đó có 85 trẻ thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ còn lại là con của nhân viên trong đơn vị này.

Tổ công tác của Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan đang phối hợp kiểm tra thông tin, thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ, đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương phối hợp xử lý theo quy định hành vi vi phạm quyền trẻ em. Hiện các phòng nghiệp vụ và Công an quận 12 đang khẩn trương lấy lời khai bà G.T.S.H - chủ Mái ấm Hoa Hồng và những người liên quan về hành vi bạo hành liên quan đến điều tra của báo chí.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, ông Cao Hà Đức Trọng - Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12 cho biết: “Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng được quận cấp phép hoạt động vào cuối năm 2022, sau khi đi vào hoạt động, phường cũng thường xuyên kiểm tra và thấy đạt yêu cầu, nhưng sau này kiểm tra thì phát hiện có lần số cháu vượt con số 70 cháu. Khi UBND phường làm việc, chủ cơ sở cho biết số trẻ này ở cơ sở trên huyện Củ Chi đưa về chơi chung với nhau vào cuối tuần. Phường đã nhắc nhở, cảnh báo và lập biên bản xử lý”.

Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng bạo hành trẻ em ở cơ sở này, UBND phường đang kết hợp với công an, Phòng LĐ-TB&XH tiến hành điều tra xử lý, trước mắt sẽ cho các cháu đi khám sức khỏe, giám định thương tật và khám tâm lý.