Bao giờ cổ động viên Hải Phòng thay đổi?
Việc đốt pháo sáng được xem là một trong những phong cách cổ vũ đặc trưng của các nhóm ultras (CĐV quá khích), tập hợp các CĐV trung thành và có phần cứng đầu nhất của đội bóng. Các hội ultras thì hầu như nền bóng đá nào cũng có, đặc biệt ở Đông Âu và Nam Mỹ. Với các nền bóng đá Tây Âu, một số quốc gia và giải đấu vẫn còn tồn tại việc đốt pháo sáng như: San Siro (Italy) hay Velodrome (Pháp). Nhưng đốt pháo sáng cũng thường chỉ tập trung ở một khu vực khán đài vốn dành riêng cho nhóm ultras.Cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng, ném tiền âm phủ xuống sân Hàng Đẫy trong trận đấu với Hà Nội FC tại vòng 10 V-League 2020. Ảnh: Ngọc Tú. |
Tuy nhiên, việc đốt pháo sáng ở Việt Nam được cho là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm. Nhưng đâu đó, trên các sân cỏ tại Việt Nam vẫn còn những quảp pháo sáng chưa được dập tắt. Phải khẳng định, câu chuyện pháo sáng chưa bao giờ là mới lạ với bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ Việt Nam đã quá quen với những trận pháo sáng tại các sân bóng của V-League, thậm chí là kể cả khi ĐTQG Việt Nam thi đấu.
Cụ thể, tại trận bán kết ASIAD 2018 giữa Việt Nam và Hàn Quốc, một số cổ động viên quá khích đến từ Việt Nam đã đốt pháo sáng trên khán đài, ăn mừng bàn thắng của Minh Vương ở phút 71. Ngay sau đó VFF đã bị phạt 12.500 USD. Đồng thời AFC cũng đưa ra cảnh báo, nếu còn tiếp diễn trong các trận đấu quốc tế của các ĐTQG Việt Nam, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật nặng hơn. Một trong những trường hợp có thể xảy ra là đưa sang sân trung lập hoặc đóng cửa sân thi đấu.
Trong khi đó, tại V-League trong 2 năm gần đây đã xảy ra những trận đấu xuất hiện những "cơn mưa" pháo sáng. Trong trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng ở V-League 2019, cổ động viên Hải Phòng đã đốt pháo sáng khiến cả sân Hàng Đẫy nghi ngút khói và trận đấu phải gián đoạn. Cũng ở mùa giải này và trên sân Hàng Đẫy, cổ động viên Nam Định cũng đã trút một "cơn mưa" pháo sáng trong trận đấu với chủ nhà Hà Nội.
Thậm chí, một quả pháo sáng được bắn từ khán đài B sang thẳng khán đài A đập trúng chân một CĐV nữ khiến máu chảy liên tục, buộc lực lượng an ninh sân phải sử dụng xe cứu thương đưa đến bệnh viện. Và mới nhất, cổ động viên Hải Phòng tiếp tục tạo nên một hình ảnh phản cảm ở trận đấu tối 17/7 khi 7 quả pháo sáng được đốt và ném xuống sân. Theo ghi nhận trứodc trận đấu, cổ động viên Hải Phòng cũng đã xử dụng pháo trong suốt quá trình diễu hành về sân Hàng Đẫy, thậm chí họ còn sử dụng tiền âm phủ và có những lời nói khiếm nhã trong suốt trận đấu.
Dẫu biết rằng, Hà Nội FC và Hải Phòng là hai đội bóng chẳng ưa gì nhau, nhưng trong thời điểm bóng đá trở lại sau mùa dịch, Việt Nam đang là biểu tượng của các nước trên thế giới thì những hình ảnh đốt pháo sáng, cổ vũ thiếu văn minh cần phải lên án mạnh mẽ.
Hà Nội FC chỉ nói mồm?
"Một khi họ đã muốn thì họ sẽ tìm cách làm cho được..." - đó là chia sẻ của một cổ động viên sau khi theo dõi 90 phút trong trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng tối 17/7. Trước trận đấu này diễn ra, Hà Nội FC đã lên nhiều kế hoạch để có thể ngăn ngừa cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng. Đây là điều dễ hiểu khi bản thân Hà Nội FC hay Ban Tổ chức sân Hàng Đẫy không muốn nhận thêm án phạt từ VFF về công tác tổ chức.
Bóng đá Việt Nam không cần pháo sáng. Ảnh: Ngọc Tú |
Theo đó, để khắc phục và đưa ra giải pháp tốt nhất, đại diện của Hà Nội FC cho biết, CLB sẽ phối hợp cùng Công an TP Hà Nội triển khai đồng bộ các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự cố đáng tiếc như năm 2019. Cụ thể, sẽ có hơn 500 nhân viên an ninh (cảnh sát, an ninh, bảo vệ) được huy động.
Ngoài ra, cổ động viên Hải Phòng gửi xe ở Hùng Vương di chuyển vào từ phố hàng Cháo, ngồi tại cửa B9. Trong khi đó, cổ động viên Hà Nội FC sẽ ngồi cửa B13,14. Ban Tổ chức sân Hàng Đẫy cũng sẽ lắp đặt cổng từ xung quanh sân vận động để kiểm tra kỹ lưỡng an ninh.
Thực tế, Hà Nội FC và Ban Tổ chức cũng đã cố gắng và nỗ lực trong việc đảm bảo an ninh trận tự trước và trong suốt trận đấu như đã lắp đặt 4 cửa từ để giám sát, thực hiện phân hướng cho 2 hội cổ động viên và lắp đặt camera để ghi lại người đốt pháo sáng. Nhưng câu hỏi đặt ra tại sao pháo sáng vẫn được đốt ngay trong sân Hàng Đẫy khi trận đấu vừa mới bắt đầu?
Như lời chia sẻ của cổ động viên ở trên: "Một khi họ đã muốn thì họ sẽ tìm cách làm cho được...", đầu tiên chính là ý thức của những cổ động viên quá khích, có ý định phá hoại hình ảnh đẹp của các hội cổ động viên khác đã và đang gây dựng. Nhưng cũng phải nhìn nhận lại từ phía Ban Tổ chức sân, thực sự họ đã làm tốt công tác tổ chức hay chưa bởi thời điểm trước trận đấu diễn ra, nhiều cổ động viên vẫn có thể "lách luật" qua kiểm tra an ninh.
Đã đến lúc, những cổ động viên cần có cái nhìn khác về hành vi đốt pháo sang hay cổ vũ thái quá, các Ban Tổ chức sân và bản thân CLB cần vào có những phương án quyết liệt hơn trong việc đẩy lùi pháo sáng. Đặc biệt, cần có những chế tài nặng hơn với những hành vi vi phạm pháp luật này để bóng đá Việt Nam có những hình ảnh đẹp với khu vực cũng như châu lục.