Anh Toàn thân mến!
Hợp đồng cho thuê được thành lập trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, lập thành văn bản có thể có công chứng làm căn cứ pháp luật khi xảy ra các trường hợp tranh chấp. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng có điều khoản quy định cho cả hai bên khi xảy ra những tranh chấp và thiên tai, dịch họa.
Điều 498, Bộ Luật Dân sự 2005 có quy định rất rõ ràng về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà: Bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên cho thuê có một trong các hành vi sau đây: Không sửa chữa nhà khi chất lượng nhà giảm sút nghiêm trọng; Tăng giá thuê nhà bất hợp lý; Quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
Đồng thời tại các hợp đồng kinh tế đều có điều, khoản quy định rõ về những trường hợp bất khả kháng liên quan đến thiên tai, dịch họa... có thể làm căn cứ để chấm dứt hiệu lực hợp đồng giữa hai bên.
Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, một bên trong giao dịch dân sự có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi: Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng; Các bên có thỏa thuận; Căn cứ theo các điều khoản pháp luật quy định...
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang gây ra những hậu quả lên toàn nền kinh tế, không riêng một lĩnh vực hay ngành nghề nào. Đối với lĩnh vực BĐS, phân khúc du lịch – lưu trú và cho thuê bán lẻ đang chịu ảnh hưởng nặng nhất, nhiều chủ sở hữu đã phải giảm giá thuê từ 20 – 50%, một số trường hợp khi mặt bằng cho thuê không thể hoạt động thì người thuê cũng không phải trả tiền hàng tháng.
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong bất cứ trường hợp nào cũng gây ra những thiệt hại về kinh tế cho cả hai bên. Vì vậy thời điểm này, nếu việc kinh doanh bị dừng lại thì các bên cần phải có những thỏa thuận liên quan đến tiền thuê, có thể thỏa thuận giảm hoặc dừng thu tiền cho đến thời điểm dịch bệnh chấm dứt.
Chúc anh sẽ có được những thỏa thuận hợp lý để giảm thiệt hại về tài chính trong thời điểm hiện nay.