Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có được đóng bảo hiểm xã hội cao hơn thu nhập thực tế?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Tôi muốn đóng bảo hiểm xã hội cao hơn thu nhập thực tế có được không, là câu hỏi được bạn đọc gửi tới chuyên gia tại buổi giao lưu “Quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội”, do Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh và báo Người lao động tổ chức.

Với câu hỏi này, Trưởng phòng Quản lý Thu – Sổ, thẻ Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh Phan Thị Mai đã có phản hồi. Theo đó, tại Điều 6 Văn bản hợp nhất số 2552/VBHN-BHXH, ngày 15/8/2023 quy định Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với khu vực ngoài nhà nước là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Ảnh minh họa.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với khu vực ngoài nhà nước là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Ảnh minh họa.

Tiền lương do Nhà nước quy định: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.

Về tiền lương do đơn vị quyết định: Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại điểm 2.1 khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Thực hiện quy định trên, bạn không thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao hơn thu nhập thực tế.

Mới đây, Chính phủ đã hoàn thiện Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và có Tờ trình số 527/TTr-CP ngày 10/10/2023 trình Quốc hội. Trong đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, là cơ sở quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…); và trách nhiệm tham gia bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.

Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.