70 năm giải phóng Thủ đô

Có được truy lĩnh trợ cấp người có công với cách mạng?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo Bộ LĐTB&XH, việc xem xét, quyết định có giải quyết truy lĩnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan chi trả trợ cấp, trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh và cân nhắc nhiều yếu tố.

Câu hỏi:

“Bác tôi nhập ngũ năm 1960, bị thương năm 1967. Năm 1968, bác được giám định thương tật, tỷ lệ 21% và nhận trợ cấp từ năm 1969 nhưng đến năm 1980 thì bị cắt trợ cấp do sai tên trong các giấy tờ. Đến năm 1994, bác được cấp Thẻ thương binh; năm 2023 được đính chính giấy tờ và cấp lại Thẻ thương binh. Vậy, bác tôi có được truy lĩnh trợ cấp thương tật từ năm 1980 đến nay không?” - ông Nguyễn Văn Vũ (Nghệ An)

Bộ LĐTB&XH trả lời:

Trong hơn 70 năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thông qua hoạt động công vụ của các cơ quan có thẩm quyền, có nhiều trường hợp bị cắt chế độ trợ cấp và nhiều trường hợp được hưởng lại trợ cấp sau nhiều năm gián đoạn.

Pháp lệnh ưu đãi người có công hiện hành không quy định cụ thể trường hợp nào được truy lĩnh và trường hợp nào không được truy lĩnh.

Việc xem xét, quyết định giải quyết truy lĩnh trợ cấp ưu đãi người có công thuộc thẩm quyền của cơ quan chi trả trợ cấp. Ảnh minh họa: Internet
Việc xem xét, quyết định giải quyết truy lĩnh trợ cấp ưu đãi người có công thuộc thẩm quyền của cơ quan chi trả trợ cấp. Ảnh minh họa: Internet

Việc xem xét, quyết định có giải quyết truy lĩnh hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan chi trả trợ cấp, trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh và cân nhắc nhiều yếu tố như: nguyên nhân, lỗi (do cơ quan Nhà nước hay do đối tượng), thời hiệu khiếu nại...

Do đó, đối với các trường hợp thắc mắc về truy lĩnh trợ cấp ưu đãi người có công nói chung, đề nghị ông liên hệ cơ quan chi trả chế độ để được trả lời cụ thể.

Bộ LĐTB&XH cũng thông tin về việc Điều 25 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì thân nhân, bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học, hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Khi thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% chết thì thân nhân (trường hợp là vợ hoặc chồng thì phải đủ tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động) được hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng.