Cô gái làm sách từ giấy loại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ý tưởng biến giấy loại thành sách giáo dục, Lê Thị Khởi - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển For a better đã làm thay đổi ý thức của nhiều người trong việc bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, đồng thời đánh dấu thành công ban đầu trên con đường khởi nghiệp.

Bắt đầu từ một lời hứa
Lê Thị Khởi sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khá éo le. Từ khi sinh ra, Khởi chưa một lần được biết bố mình là ai, mẹ lại là một người tàn tật. Bản thân Khởi cũng mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, căn bệnh đã bao lần khiến cô gái nhỏ bé bị ngất xỉu, tay chân tím tái ngay trên lớp học. Nhận thức rõ hoàn cảnh của gia đình, ngay từ nhỏ Khởi đã luôn cố gắng, nỗ lực học tập với mong muốn sau này có công việc ổn định để phụng dưỡng mẹ. Khởi thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, khoa biên kịch.
Trong quá trình đi học, Khởi phải làm đủ mọi việc để trang trải học hành, từ giúp việc gia đình, gia sư… Ra trường, sau một thời gian bươn chải, cô may mắn xin được một công việc với mức lương khá trong một hãng phim tư nhân. Những tưởng đây sẽ là điểm dừng chân an toàn cho cô gái nhỏ bé này, nhưng năm 2015, Khởi quyết định về quê khởi nghiệp với ý tưởng làm sách từ giấy loại.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển For a better Lê Thị Khởi (bên trái). Ảnh: Phương Nga
Chia sẻ về quyết định táo bạo này, Khởi tâm sự: “Đó là vì lời hứa với những người bạn tàn tật trong xóm”. Khởi kể, ở trong xóm có một gia đình sinh được 5 người con thì có đến 4 người phải mang trên mình di chứng chất độc màu da cam. Tất cả các bạn đều bị liệt nửa phần thân bên dưới, không vận động đi lại được, hàng ngày quanh quẩn ở góc hiên với ít giấy vụn, vài cái kéo và hộp bút màu. Chứng kiến hoàn cảnh đó, Khởi đã tự nhủ sau này nhất định sẽ giúp các bạn sống có ích hơn. Ngoài ra, Khởi còn muốn thay đổi ý thức bảo vệ môi trường của mọi người, thông qua việc tái chế giấy loại, giấy vụn thành sách giáo dục.
“Dự án của mình nhằm hướng tới 3 mục tiêu chính là làm giảm lượng rác thải vào môi trường, từ đó giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tạo điều kiện công ăn việc làm, cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ” – Khởi chia sẻ.
Biến rác thành sách giáo dục
Vào khoảng thời gian Khởi bắt tay khởi nghiệp, mẹ Khởi trở bệnh và phải trải qua 3 đợt phẫu thuật. Toàn bộ số vốn tích lũy để dành khởi nghiệp đều dành hết cho mẹ chữa bệnh. Quyết không từ bỏ ý tưởng của mình, Khởi xin mẹ bán một phần đất vườn để lấy vốn triển khai dự án. Thương và tin con, mẹ Khởi đã đồng ý. Với số tiền 130 triệu đồng, Khởi bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực hóa ý tưởng đó là cả một quá trình gian nan và vất vả đối với Khởi. Ngoài thiếu vốn, điều khiến Khởi nản nhất chính là tất cả mọi người đều cho rằng đó là một "ý tưởng điên khùng". Ngoài ra, việc đào tạo cho những “công nhân đặc biệt” cũng là một trở ngại lớn. Công nhân của Khởi đều là những người tàn tật, có vấn đề về trí nhớ nên việc hướng dẫn làm quen và thực hiện đúng ý đồ đề ra mất nhiều thời gian.
Từ khâu thiết kế trên máy tính, đến việc lên ý tưởng, biên soạn đều do Khởi thực hiện. Nguyên liệu để sản xuất sách là những tấm giấy loại, bìa carton, vỏ bánh kẹo, những thứ mà thường ngày các gia đình vứt vào sọt rác thì nay được Khởi thu gom trở thành nguyên liệu chính trong dự án làm sách của mình.
Đôi bàn tay của những người thợ cắt dán hoàn toàn thủ công đã tạo ra những cuốn sách khá bắt mắt, nội dung khá phong phú. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng xưởng sản xuất của Khởi đã tạo việc làm cho 8 lao động, với mức lương từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Điều làm Khởi hạnh phúc hơn cả là những người trước đây phản đối mình đã thay đổi cách nghĩ và cùng chung tay ủng hộ dự án.
Chia sẻ về mục tiêu của mình, Khởi cho biết sẽ tạo ra một dòng sản phẩm có thể thương mại hóa mạnh mẽ, sản phẩm đó có thể giúp các bé phát triển toàn diện về cả tư duy, trí tuệ lẫn nhân cách, đạo đức. Hiện Khởi bắt đầu đưa sản phẩm của mình ra thị trường và nhận được phản hồi rất tốt từ khách hàng. “Sản phẩm được làm 100% nguồn vật liệu tái chế bằng phương pháp thủ công. Với việc đáp ứng được toàn diện xu hướng của thị trường, tôi hy vọng các sản phẩm trong dự án của mình sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. Mặt khác, theo hiểu biết của tôi thì gu thẩm mỹ của người phương tây – thị trường chính mà tôi muốn hướng đến, họ rất thích các sản phẩm được làm bằng phương pháp thủ công” – Khởi nói.
Theo kế hoạch, Khởi sẽ sản xuất 20 đầu sách với số lượng 1.000 cuốn. Khi đã đủ số lượng như dự tính Khởi sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để tổ chức các cuộc triển lãm, các chiến dịch truyền thông nhằm giới thiệu đến đông đảo khách hàng.

Năm 2018, Dự án For a better world lọt vào top 9 dự án được các chuyên gia, cố vấn của Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trung tâm FIIS) (trường Đại học Ngoại thương) lựa chọn chính thức vào chương trình Ươm tạo khởi nghiệp SIP 100 (Startup Incubation Program 100 - thuộc FIIS). Dự án cũng nhận được sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn Nghệ An với việc cho vay số vốn 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.