Có gì nơi cuộc đua không gian mới?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cạnh tranh để đến được cực Nam mặt trăng những ngày này hẳn ít nhiều gợi lại cuộc chạy đua vào không gian quyết liệt giữa Mỹ và Liên Xô trong những năm 1960…

Nền kinh tế mặt trăng

Hôm 23/8, Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi là quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ Chandrayaan-3 lên cực Nam của mặt trăng - một khu vực có nhiều miệng núi lửa băng giá chưa được khám phá, được tin là nguồn khoáng sản giàu tiềm năng.

Cột mốc quan trọng này đánh dấu một thành tựu to lớn cho chương trình không gian non trẻ của quốc gia Nam Á. Với sự thúc đẩy của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã tư nhân hóa các vụ phóng vào không gian và đang tìm cách mở cửa lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài khi nước này đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần thị phần của mình trên thị trường phóng vệ tinh toàn cầu trong thập kỷ tới.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ, và thành công của nó đến chỉ vài ngày sau khi con tàu Luna-25 của Nga đã hạ cánh thất bại khi tiếp cận bề mặt của mặt trăng hôm 19/8.

Báo giới ghi lại chương trình truyền hình trực tiếp về cuộc đổ bộ lên mặt trăng của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 tại cơ sở của Cơ quan vũ trụ Ấn Độ ở Bengaluru. Ảnh: AP
Báo giới ghi lại chương trình truyền hình trực tiếp về cuộc đổ bộ lên mặt trăng của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 tại cơ sở của Cơ quan vũ trụ Ấn Độ ở Bengaluru. Ảnh: AP

Bất chấp sứ mệnh quan trọng bị hủy bỏ, Yury Borisov - người đứng đầu cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roskosmos - nói rằng việc quay trở lại mặt trăng là vấn đề lợi ích quốc gia.

“Đây không chỉ là về uy tín của đất nước và việc đạt được một số mục tiêu địa chính trị. Đây là việc bảo đảm khả năng phòng thủ và đạt được chủ quyền về công nghệ” - ông Borisov nói với kênh Russia 24 - “Cuộc chạy đua khai thác tài nguyên thiên nhiên của mặt trăng đã bắt đầu. Và trong tương lai, mặt trăng sẽ trở thành nền tảng cho việc khám phá không gian sâu, một nền tảng lý tưởng”.

Thực tế, Ấn Độ và Nga không phải là những quốc gia duy nhất tham gia cuộc đua không gian mới. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, Nhật Bản, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Trung Quốc cũng đang là những bên tích cực tham gia khám phá “nền kinh tế mặt trăng”.

Thống kê đã có hơn 140 sứ mệnh mặt trăng kể từ những năm 1950, bao gồm các cuộc đổ bộ lịch sử, các vụ va chạm không kiểm soát và quỹ đạo rộng lớn xung quanh thiên thể này. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 quốc gia - Mỹ, Nga (trước đây là Liên Xô), Trung Quốc và Ấn Độ đã hạ cánh thành công lên mặt trăng bằng tàu thăm dò hoặc tàu đổ bộ.

Nhìn chung, các quốc gia hiện nay chủ yếu bị thu hút bởi khả năng tìm thấy nước trên mặt trăng. Nước có thể là nguồn nhiên liệu cho tàu vũ trụ, cho phép mặt trăng hoạt động như một điểm dừng chân trong các sứ mệnh tới sao hỏa và các khu vực không gian sâu khác. Và con người trong tương lai muốn sống trên các hành tinh khác cũng sẽ cần có nước.

Ngoài yếu tố nước, năm 2015, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết mặt trăng còn nắm giữ “hàng trăm tỷ USD” tài nguyên khác chưa được khai thác và gọi đây là “cơn sốt vàng mặt trăng” tiềm năng. Theo đó, mặt trăng được cho còn có helium-3 được sử dụng trong phản ứng tổng hợp hạt nhân, và một số kim loại đất hiếm như lanthanides, scandium và yttrium được sử dụng trong sản xuất nhiều thiết bị điện tử hiện đại.

Các ước tính được trích dẫn trên tờ Daily Mail năm ngoái đã định giá nước trên mặt trăng ở mức hơn 200 tỷ USD, khí heli tại đó ở mức 1,5 triệu triệu USD và các kim loại đất hiếm ở mức 2,5 nghìn tỷ USD.

Nhìn chung, mặt trăng đang là điểm cuối trong chu kỳ hiện tại của các sứ mệnh lúc này, nhưng nó được xem vẫn chỉ là bước đệm cho những mục tiêu lớn hơn nhiều trong việc khám phá không gian.

Mặt trăng cũng không phải là thiên thể duy nhất chứa nhiều yếu tố sinh lợi. Một tiểu hành tinh rộng gần 280km có tên 16 Psyche được cho là được tạo thành từ vàng, sắt và niken. Quặng trên tiểu hành tinh này được ước tính trị giá khoảng 10 triệu USD. Hay một tiểu hành tinh khác là Davida cũng đã được định giá lên tới 27 triệu USD.

Không mạo hiểm chỉ vì chính trị

Cuộc cạnh tranh để đến được cực nam mặt trăng những ngày này hẳn ít nhiều gợi lại cuộc chạy đua vào không gian quyết liệt giữa Mỹ và Liên Xô trong những năm 1960.

Thế chiến II đã chứng minh cho thế giới thấy rằng công nghệ tên lửa sẽ thúc đẩy chiến tranh hiện đại, và do đó, Mỹ và Liên Xô dường như đã tự “trói mình” vào cuộc chạy đua để có được công nghệ vượt trội nhất. Khi công nghệ tiên tiến và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mạnh mẽ đã được cả hai nước phát triển thành công, cuộc chạy đua vũ trang dường như nhường chỗ cho một cuộc đua khác - cuộc đua vào không gian.

Theo báo cáo của NASA, Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho nỗ lực này từ năm 1954. Tuy nhiên, vào ngày 4/10/1957, Liên Xô bất ngờ thông báo đã phóng thành công tàu vũ trụ Sputnik.

Theo Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, Liên Xô là những người đầu tiên vận chuyển sinh vật sống - một chú chó tên Laika - vào không gian vũ trụ bằng việc phóng Sputnik 2. Phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 12/4/1961, khi ông hoàn thành xuất sắc chuyến đi 108 phút vòng quanh Trái đất.

Trong khi đó, Mỹ đã đưa 3 người lên mặt trăng vào năm 1969, với Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Các sứ mệnh mặt trăng của cả hai siêu cường bắt đầu ngay sau khi Liên Xô phóng thành công Sputnik vào năm 1957. 14 nỗ lực tiếp cận mặt trăng đã được thực hiện trong khoảng thời gian 3 năm sau đó và phần lớn đều thất bại. Nhưng ít nhất 3 trong số đó là những thành công đáng chú ý, đặc biệt là tàu Luna-3, đã bay ngang qua mặt trăng vào năm 1959 và chụp được những bức ảnh đầu tiên về bề mặt của nó.

Tuy nhiên, sau 6 vụ phóng tàu Apollo, đưa được 2 người lên mặt trăng vào năm 1972, các sứ mệnh mặt trăng đột ngột bị đóng băng. Sau Luna-24 vào năm 1976, Liên Xô đã không thực hiện thêm bất cứ chương trình lên mặt trăng nào nữa. Vào những năm 1980, không có quốc gia nào thực hiện sứ mệnh mặt trăng.

Giám đốc Roskosmos Yury Borisov đầu tuần này thừa nhận, những gián đoạn sứ mệnh mặt trăng trong gần 50 năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Luna-25 hôm 19/8 vừa qua. Luna-25 được phóng từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga vào ngày 10/8.

Sân bay vũ trụ này là dự án tâm huyết của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và là chìa khóa cho những nỗ lực của ông nhằm biến Nga trở thành “siêu cường không gian”.

Hầu hết các chuyên gia đồng tình, các quốc gia hiện nay không còn chạy đua lên mặt trăng, cũng như vào không gian nói chung, chỉ để chứng tỏ sự thống trị chính trị hay giành lợi thế về mặt tâm lý như hai siêu cường Mỹ - Liên Xô ngày trước. Các Chính phủ hiện được tin đều hướng tới mục đích nghiên cứu khoa học và mở rộng phạm vi khoa học.

Hơn hết, các nhiệm vụ không gian cũ tỏ ra kém hiệu quả, trong khi vốn cực kỳ tốn kém, khiến chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị với các nhà lãnh đạo cầm quyền trong thế giới ngày nay. Tỷ lệ thất bại của các cuộc đổ bộ mặt trăng là khá cao - mà theo Chủ tịch Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) S Somanath là “ít nhất 60%”.

Theo các nhà khoa học, vị trí không cố định của mặt trăng, cùng với sự thay đổi trọng lực, ảnh hưởng lớn đến hành trình và việc đi vào quỹ đạo của tàu vũ trụ. Thiếu bầu khí quyển cũng khiến việc hạ cánh nhẹ nhàng trở nên khó khăn, đặc biệt là trong môi trường nhiệt độ khắc nghiệt.

“Hạ cánh trên mặt trăng thực sự khó khăn như những gì chúng ta đang thấy” - Bethany Ehlmann, giáo sư tại Viện Công nghệ California, người đang làm việc với NASA trong sứ mệnh năm 2024 để lập bản đồ cực nam mặt trăng và băng nước ở đó, nói - “Trong vài năm qua, mặt trăng đang ‘ăn thịt’ các con tàu vũ trụ”.