Có giảm được tiêu cực trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thủ tục hoàn hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh Thanh Hải

Thay vì phải kê khai nộp thuế theo quy trình khá phức tạp trước đây, các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cá thể sẽ chỉ thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu hay còn gọi là nộp thuế khoán. Ngành thuế kỳ vọng không những giảm được chi phí do giảm được thời gian, công sức trong quản lý thuế, mà còn góp phần chống tiêu cực trong nội bộ ngành.

 
Kinhtedothi - Có giảm được tiêu cực trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh? - Ảnh 1

Làm thủ tục hoàn hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh Thanh Hải
Chỉ tiện cho cơ quan thuế
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cách tính trước kia căn cứ theo doanh thu trên tổng hóa đơn/tháng, cá nhân sau đó trừ đi chi phí, khấu trừ gia cảnh... để xác định ra số thuế TNCN phải nộp rồi mới thu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Như vậy, các hộ không rõ liệu cơ quan thuế tính có chính xác hay không? Đây là kẽ hở cho cán bộ gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế. Ngược lại, cũng có những hộ lợi dụng để giảm nghĩa vụ thuế với Nhà nước (trả lương trên giấy, in hóa đơn trùng, khai
Trong bảng giải trình sửa đổi thuế TNCN có nói rằng số thuế đóng góp của hộ kinh doanh chỉ chiếm 2% trên tổng số thuế, trong khi số cán bộ thuế phục vụ lên đến 60%. Chính vì không hiệu quả nên quay lại cách khoán thuế. Cách này đơn giản, lợi thế hơn cho hộ kinh doanh vì không cần sổ sách, hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy, chúng ta đang “quản” đến đâu thì phát triển tới đó.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
tăng chi phí…). Với hình thức mới, từ 1/1/2015, các hộ kinh doanh (có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm) sẽ được chuyển qua thuế khoán. Việc kê khai nộp thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ đơn giản hơn, cơ quan thuế ấn định doanh thu của một năm, từ doanh thu này, cơ quan thuế nhân với “tỷ lệ của ngành nghề” để thu thuế theo tỷ lệ nhất định và chỉ phải đóng thuế một lần trong năm nên minh bạch được số thuế phải thu, tránh được nhũng nhiễu của cán bộ thuế.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, hiện có 3 triệu hộ kinh doanh cá thể (trong đó khoảng 18 - 20% là hộ lớn, còn lại 80% là hộ vừa và nhỏ), và thực tế đang có gần một triệu hộ kinh doanh trên cả nước nộp thuế khoán. Bộ Tài chính khẳng định đã có hướng dẫn đối với những đối tượng năm 2014 không trong diện thu thuế thì năm nay sẽ tiếp tục không thu. Mục tiêu của việc quản lý sắc thuế này là tập trung vào nhóm hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô, doanh số lớn hoạt động trong các lĩnh vực như: Trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh nhà hàng ăn uống; kinh doanh vận tải; dịch vụ lưu trú… Như vậy, tạm không đề cập đến việc đang có nhiều hộ nhỏ lẻ, kinh doanh trên vỉa hè, bán nước… lấy công làm lãi lo ngại phải đóng thuế. Ở đây chỉ bàn đến những hộ thuộc diện vẫn đang phải nộp thuế sẽ chuyển sang hình thức mới. Dù vậy, nhiều người cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa công bằng, chỉ tiện cho cơ quan thuế.

Biểu thuế suất toàn phần trên doanh thu được tính: Đối với lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa là 0,5%; đối với nhóm dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%; sản xuất, vận tải hành khách, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%. Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp là 5%. Còn lại các hoạt động kinh doanh khác là 1%.

Ở nhóm lĩnh vực bất động sản, một số nhà đầu tư cho hay, trước đây, phương pháp áp thuế 25% tính trên lợi nhuận là một bước tiến bộ, tạo sự công bằng, quyền lợi cho người nộp thuế vì nếu lỗ thì không phải đóng thuế. Với những sửa đổi lần này, việc quy về một mức 2% sẽ dễ dàng cho việc thực hiện, hạn chế được những tranh cãi. Tuy nhiên, điều này lại cho thấy, cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn rõ ràng, minh bạch. Đơn cử như việc người dân bán lỗ bất động sản vẫn phải đóng thuế thu nhập… Tương tự, ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, tình trạng người thu nhập trung bình phải đóng thuế cao hơn trước đây cũng diễn ra. Chị Minh Hoa - một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho hay, với những hộ phân phối hàng hóa, tiệm tạp hóa, sạp quần, áo, giày, dép... như chị, áp thuế TNCN theo tỷ lệ 0,5% trên doanh thu, tính tổng số thuế phải đóng thì những người có doanh thu từ mức 8,4 - 200 triệu đồng/tháng bị điều chỉnh tăng từ 30 - 50% so với cách tính cũ. “Hoặc như nhiều đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp là có thu nhập mỗi năm lên đến 5 - 10 tỷ đồng, sắp tới, quy định họ chỉ phải đóng tỷ lệ 5% trên doanh thu, tôi thấy có gì đó không công bằng đối với những người làm công ăn lương” - anh Thanh Hùng - nhân viên một công ty xây dựng có trụ sở ở phố Nguyễn Chí Thanh nhận xét.

Tư duy quản lý theo cách mới của ngành thuế có vẻ hợp lý bởi không còn phải tập trung quá lớn nhân lực như hiện nay, giảm chi phí của ngành thuế do giảm được thời gian, công sức trong quản lý thuế. Tuy vậy, việc cải cách, thay đổi cách tính thuế đối với hộ kinh doanh đụng đến quyền lợi của người nộp thuế, nhất là người nộp thuế có thu nhập thấp, do đó, khi áp thuế khoán cần đưa ra tỷ lệ doanh thu từ thấp lên cao, nhiều bậc thuế khoán để tạo công bằng. “Đưa ra tỷ lệ tính thuế khoán 0,5 - 5% nhưng tại sao lại đặt tỷ lệ này thì Bộ Tài chính cũng không đưa ra tài liệu nào nói cho rõ để người dân hiểu” - Luật sư Vũ Xuân Tiền bày tỏ.

Còn nhiều băn khoăn

Làm thế nào để xác định doanh thu khoán chính xác? Bộ phận hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội cho biết, để ấn định doanh thu sẽ căn cứ trên quy mô, địa điểm kinh doanh, mặt bằng kinh doanh chung. Trước tiên, các hộ cá thể phải tự kê khai theo thực tế kinh doanh. Dựa trên con số này, cơ quan thuế có điều tra các ngành hàng tương đương, thông qua hội đồng tư vấn thuế phường, xã hoặc ban quản lý chợ, sau đó chuyển về Cục, Cục sẽ cân đối mức thuế khoán cho hợp lý. Thực tế, không ai biết rõ hơn về doanh thu của từng hộ bằng những hộ kinh doanh liền kề, hộ kinh doanh cùng ngành, nghề trên địa bàn tổ dân phố, phường, xã, chợ và chính quyền cơ sở. Cục Thuế sẽ có nhiệm vụ xác định cân đối để đảm bảo việc ấn định doanh thu hợp lý, công bằng để đảm bảo không thất thu nhưng vẫn phù hợp với thực tế kinh doanh.

Về ý kiến cho rằng, nhiều hộ sẽ không cần sử dụng hóa đơn nữa, mặc dù trên thực tế các hộ vẫn cần hóa đơn để cung cấp cho khách hàng, đại diện Tổng cục Thuế cũng khẳng định, các hộ, cá nhân kinh doanh vẫn được mua hóa đơn bình thường. “Nhưng nếu khoán rồi mà các hộ có nhu cầu xuất hóa đơn thì Chi Cục thuế vẫn xuất hóa đơn nhưng cuối năm phải xem lại doanh thu xuất hóa đơn và doanh thu thuế khoán có trùng khớp nhau không. Khi có chứng cứ cho thấy doanh thu thực tế cao hơn doanh thu khoán từ 50% trở lên so với mức doanh thu khoán, cơ quan thuế xác định lại mức doanh thu khoán cho thời gian còn lại của năm tính thuế mà không tính lại mức thuế khoán của thời gian trước” - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho biết.

Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh cho rằng, nếu đã thu thuế khoán rồi mà còn thu thuế trên mỗi lần mua hóa đơn là tính thuế hai lần, gây ra phức tạp hơn nhiều. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ đầy đủ đầu ra - đầu vào nên không xác định được đúng chi phí, doanh thu, chưa kể hộ kinh doanh phải đến cơ quan thuế mua từng hóa đơn. Có trường hợp thắc mắc, số thuế mà ngành thuế giao khoán ấn định nhưng nếu thu nhập của người kinh doanh bị giảm xuống do ế ẩm thì sẽ ra sao? Và cũng không loại trừ trường hợp nếu doanh thu tăng, người kinh doanh cấu kết, thỏa thuận ngầm để trục lợi. Nhiều ý kiến nghi ngờ cơ quan thuế và hộ kinh doanh cùng “thỏa thuận” ấn định một mức doanh thu phù hợp có dễ dẫn đến tiêu cực hay không. “Cho dù Tổng cục Thuế yêu cầu, buộc công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế khoán chi tiết theo địa bàn xã, phường, thị trấn nhưng tình trạng thuế khoán chia đôi, chia ba, người nộp thuế có lợi, cán bộ thuế có lợi, chỉ có ngân sách là thất thu… đã từng xảy ra liệu còn tiếp diễn?” – một tiểu thương đặt câu hỏi.