Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có giảm giá doanh nghiệp bất động sản cũng không bán được hàng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù số lượng doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) thành lập mới vẫn ghi nhận tăng, nhưng vẫn chưa thể bù đắp lại số lượng DN phá sản, giải thể khi con số này lên tới xấp xỉ 40%, hoạt động kinh doanh của DN BĐS đang tiếp đà lao dốc.

Doanh nghiệp kinh doanh lao dốc

Thời gian gần đây, tình hình kinh doanh của DN BĐS gặp nhiều khó khăn, bên cạnh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, việc huy động vốn đầu tư từ các kênh khác cũng gặp nhiều vướng mắc.

Hoạt động kinh doanh của hàng loạt DN lớn bị giảm sút thê thảm, đơn cử như Công ty CP BĐS Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR), trong quý IV/2022 doanh thu giảm thê thảm, chỉ đạt 15 tỷ đồng so với con số 1.229 tỷ đồng của năm trước, chi phí tài chính lên tới 221 tỷ đồng gấp 3 cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay tới 140 tỷ đồng tăng gấp đôi, lỗ trước thuế 297 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của các DN BĐS đang tiếp tục bị "lao dốc".
Hoạt động kinh doanh của các DN BĐS đang tiếp tục bị "lao dốc".

Tương tự là trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group - mã chứng khoán: DXG). Doanh thu bán hàng dịch vụ đạt 1.016 tỷ đồng, chưa bằng một nửa năm 2021 so với 2.293 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 25%, chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi từ 80 tỷ đồng lên 157,3 tỷ đồng trong quý IV/2022, lỗ trước thuế lên tới 424 tỷ đồng.

Trước những khó khăn trên, việc hàng loạt DN BĐS phải tạm dừng hoạt động, tuyên bố phá sản, giải thể tăng cao là điều đã được các chuyên gia dự báo trước. Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2022 có tới xấp xỉ 40% DN kinh doanh BĐS bị phá sản và tuyên bố giải thể, lượng DN dừng hoạt động có thời hạn tăng 54%. Trong khi đó, số lượng DN thành lập mới chỉ tăng thêm chưa đầy 14%, kéo theo hàng vạn người lao động bị mất việc làm và hoạt động sản xuất của hàng chục ngành nghề liên quan cũng bị giảm sút.

“Nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như: tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động... để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại. Nhìn chung, hoạt động của các DN kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn” – Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải  cho hay.

Mở rộng quy định tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về mặt pháp lý, muốn tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, ngay từ bây giờ, phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng của dự thảo các văn bản luật sửa đổi, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS(sửa đổi).

Ngoài ra, cần sửa đổi một số điều của các luật có liên quan khác, bởi vì trong khi một số luật chưa được sửa đổi thì việc kết hợp sửa một số điều của các luật này sẽ đảm bảo pháp luật được đồng bộ, thống nhất.

“Đặc biệt, việc tiếp cận tín dụng của DN BĐS là vấn đề cần được quan tâm, Nhà nước cần có quy định cho phép DN mở rộng việc tiếp cận nguồn vốn. Chúng tôi đề xuất gia hạn trong phạm vi từ 12 - 24 tháng đối với các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn để không bị chuyển qua nhóm nợ xấu nhóm 4 (nợ xấu không thu hồi được - PV). Ngoài 2 vướng mắc lớn trên, cần giải quyết vấn đề trái phiếu DN; ổn định tâm lý thị trường; xử lý các dự án đang bị vướng mắc… Và DN phải đồng hành, hợp tác với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các vướng mắc” – ông Lê Hoàng Châu phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho rằng, để giải quyết tình thế trước mắt, chính các DN BĐS phải nhanh chóng bắt tay vào hành động, thông qua việc tiếp tục tiến hành tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản phẩm. Đồng thời phải có chính sách bán hàng hợp lý để kích thích nhà đầu tư quay lại thị trường, khi có dòng tiền mới tham gia vào sẽ giúp thị trường giảm đòn bẩy về tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài để kích thích hiệu quả nhà đầu tư thì lãi suất cho vay phải giảm.

 

“Về mặt logic thì không thể chờ mong giá BĐS giảm mới có thể kích thích được thị trường, vì nhiều dự án có vấn đề pháp lý, có giảm giá thì công ty cũng chẳng bán được. Vấn đề hiện nay là tháo gỡ về pháp lý, chẳng hạn 70% giá tị tài sản đảm bảo của DN là BĐS, nếu bây giờ giảm giá bán sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản đảm bảo của các công ty đó ở ngân hàng. Khi đó, Ngân hàng sẽ yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, các công ty còn không mà bổ sung là câu chuyện hóc búa" - chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường