Cô giáo lan tỏa tình yêu đọc sách bằng công nghệ

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học trực tuyến trong một thời gian dài, ưu thế vượt trội của thiết bị điện tử đã kéo nhiều học sinh vào thế giới của game, của youtube dẫn đến thực trạng trẻ ngày càng ngại đọc sách và rời xa sách. Bằng sự tâm huyết với nghề, cô giáo Phạm Thanh Minh, trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã dùng chính sức mạnh của công nghệ để duy trì, lan tỏa tình yêu đọc sách đến với học sinh.

Cô giáo Phạm Thanh Minh bên các học sinh thân yêu (Ảnh chụp trong năm học 2020 - 2021). Ảnh: Nam Du
Tạo dựng và duy trì văn hóa đọc
Nói về khởi nguồn ý tưởng đưa văn hóa đọc vào nhà trường, cô Phạm Thanh Minh chia sẻ: “Vốn là người yêu sách nên khi về nhận công tác tại trường THCS Thanh Xuân Trung- một ngôi trường mới thành lập, tôi đã khao khát xây dựng thói quen đọc sách cho các con. Muốn là làm, tôi chủ động đề xuất với Ban giám hiệu xây dựng một môi trường thuận lợi để hình thành văn hóa đọc với mục đích: Thay vì phải đọc sách một cách khiên cưỡng thì các con sẽ say mê, hứng thú, chủ động đọc sách. Muốn vậy, phải có môi trường văn hóa đọc mọi lúc, mọi nơi như tại thư viện, trong lớp hay tại nhà; bên cạnh đó cũng cần tổ chức hiệu quả các hoạt động để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh...

Mọi việc bước đầu được đi đúng hướng khi trong khuôn viên trường, tại lớp học hoặc tại nhà, thầy cô, cha mẹ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các con tay cần cuốn sách và say mê nghiền ngẫm. Tránh tình trạng đọc sách tràn lan, sa đà, ngay từ đầu năm, cô Minh đã xây dựng kế hoạch đọc có định hướng cho học sinh thông qua phương pháp đọc sách và lựa chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của các em. Việc định hướng này rất quan trọng, giúp học sinh có kỹ năng đọc, bổ sung thêm kiến thức trên lớp theo môn học; đồng thời khơi gợi niềm đam mê đọc sách theo nhu cầu...

Thời gian này, các con không có cơ hội đến trường đọc sách tại thư viện; các cô cũng không thể giám sát để biết được học sinh của mình có đọc sách sau khi kết thúc buổi học chính khóa hay không. Vì thế, cô Minh lại tiếp tục nghĩ suy, trăn trở khi mà trong giai đoạn học online, học sinh được tiếp xúc với các thiết bị như ipad, laptop, máy tính cùng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin khác; cơ hội học hỏi có nhiều nhưng nguy cơ gặp nguy hiểm luôn thường trực bởi việc sử dụng các thiết bị thông minh nếu không được định hướng sẽ rất dễ sai mục đích. Tại sao không gắn việc đọc sách với khai thác ứng dụng của các thiết bị công nghệ? Nghĩ là làm, cô Minh đã có sáng kiến: “Duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc”.
 Học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung hào hứng với các không gian đọc sách trong nhà trường
Hạnh phúc với thành quả ngọt ngào

Và thêm một lần nữa cô Minh đã bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng. Đầu tiên, cô hướng dẫn học sinh tìm hiểu và sử dụng các phần mềm để minh họa cho các cuốn sách. Hiện có rất nhiều phần mềm có hình ảnh minh họa nhưng cô chọn một số phần mềm: PicsArt, Flipaclip, Powtoon, Canva… vì có ưu điểm dễ sử dụng; không mất chi phí; có nhiều tính năng vượt trội: dễ dàng chèn âm thanh, thuyết minh, tạo hiệu ứng di chuyển của kho ảnh các nhân vật trong nhiều tác phẩm văn học cũng rất đa dạng. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm thành công, cô Minh bắt tay vào triển khai hướng dẫn học sinh.

Thông qua sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc giúp cho việc đọc sách và giới thiệu sách của học sinh trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, lan tỏa hơn. Duy trì văn hóa đọc cho học sinh trong thời gian học trực tuyến thông qua sử dụng các phầm minh họa đã giúp học sinh đọc lại cuốn sách nhiều lần, dễ ghi nhớ, hiểu rõ nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, các con lại phát hiện được các nhân vật mới trong kho dữ liệu của phần mềm; điều này giúp thúc đẩy mong muốn học sinh tìm hiểu các cuốn sách mới để đọc.

“Sau gần hai tháng triển khai, phong trào duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến, học sinh thực sự duy trì được thói quen đọc sách, đam mê tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc; số lượng sách mà học sinh đọc cũng được tăng lên đáng kể. Điều đặc biệt, các con đã biết bộc lộ những năng lực và phẩm chất của mình trong các tình huống thực tế của cuộc sống; biết yêu thương, chia sẻ, thể hiện tình cảm với người thân, thầy cô, bạn bè thông qua những hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch và đáng yêu…”- cô Minh bộc bạch.
Sáng kiến của cô Phạm Thanh Minh được Hội đồng khoa học xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ V của ngành GD&ĐT đánh giá cao. Cô vinh dự là một trong 40 nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần