Cô giáo trẻ và những chiếc áo phao tự chế

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, cô giáo trẻ Phạm Ngọc Hiệp - trường THCS Vân Hà (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) còn tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu, tự chế những cách làm áo phao độc đáo với mong muốn tạo ra những vật dụng giúp phòng tránh và hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em.

 Cô giáo Phạm Ngọc Hiệp (thứ nhất từ phải qua) hướng dẫn học sinh, trẻ em xã Vân Hà, Đông Anh cách làm áo phao.
Từ những vật dụng có sẵn trong gia đình
Có dịp trò chuyện với cô giáo Phạm Ngọc Hiệp, chúng tôi được biết, ý tưởng làm áo phao xuất phát từ trăn trở trước việc trẻ em bị đuối nước ngày càng nhiều, nhất là vào dịp hè. “Dù không sinh ra ở vùng sông nước, nhưng trước những vụ trẻ tử vong do đuối nước, bản thân tôi thấy đau xót và tự đặt cho mình việc phải tìm giải pháp, cách thức để giảm thiểu những vụ việc tương tự” - cô Hiệp chia sẻ. Từ đó, cô dành nhiều thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu nguyên lý, vật liệu của những kiểu áo phao thông thường, từ đó “cải biên” bằng những vật dụng có tác dụng “nổi” tương đương và có sẵn trong mỗi gia đình. Từ thực tiễn cuộc sống, cô Hiệp đã cho ra đời cách làm áo phao sáng tạo từ túi nilon, chai nhựa, quần tất... “Nếu ý tưởng của mình được trẻ em và mọi người biết đến, chắc chắn những vụ việc thương tâm do đuối nước sẽ hạn chế xảy ra vì chiếc phao này rất đơn giản, ai cũng có thể làm được” - cô Hiệp chia sẻ.

Để phổ biến rộng rãi sáng kiến của mình đến các em nhỏ một cách nhanh và dễ hiểu nhất, cô giáo trẻ đã dựng một đoạn “video hướng dẫn làm 3 kiểu áo phao từ những vật dụng sẵn có trong gia đình”, hướng dẫn mọi người cách làm, cách sử dụng áo phao khi ở trên cạn và dưới nước. Cô Hiệp cho biết, xem video này, ai cũng có thể tự chế cho mình một chiếc áo phao; đồng thời hiểu được tính năng của chiếc áo. Ví dụ, một số loại áo phao làm từ nguyên liệu xốp, cô Hiệp đã thay bằng những chai nhựa đã qua sử dụng hoặc túi nilon. Gần một tháng tìm tòi, cô đã sáng chế thành công 3 loại áo phao và thử nghiệm ngay tại hồ bơi của gia đình một đồng nghiệp. “Tôi sáng chế ra 3 loại áo phao, gồm: Áo phao khẩn cấp, áo phao quần tất và áo phao nilon. Các loại áo phao này đều sử dụng các vật dụng có sẵn trong gia đình, cách làm cũng rất đơn giản, ít thao tác để các em có thể tự làm được trong thời gian từ 1 – 2 phút” - cô Hiệp cho biết.

“Hô biến” thành áo phao hữu ích

Hướng dẫn chúng tôi làm một trong 3 kiểu áo phao, cô Hiệp miêu tả kỹ về chiếc áo phao được làm từ chiếc quần dài. Đầu tiên, cài cúc, kéo khóa, làm ướt quần, buộc thắt nút hai ống quần vào nhau. Bây giờ chiếc quần giống như chiếc túi có khả năng giữ không khí bên trong. Người dùng có thể lấy không khí vào, sau đó quàng phần quai lên cổ, tuy nhiên phải luôn giữ chặt đai để không khí không lọt ra ngoài. “Cách làm này vừa rẻ tiền, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân mà vẫn tiện dụng để tự chế được một hay nhiều kiểu áo phao trong lúc cấp bách” - cô Hiệp chia sẻ.

Không chỉ làm video, tranh thủ dạy học trò trong những giờ học ngoại khóa, cô Hiệp còn thường xuyên hướng dẫn phụ huynh và trẻ em quanh khu dân cư với mong muốn lan tỏa đến cộng đồng những kỹ năng bảo vệ bản thân trước dòng nước dữ. Với sự hướng dẫn tận tình, hiện đến trường THCS Vân Hà hoặc địa bàn xã Vân Hà, hầu như học sinh, trẻ em nào cũng biết đến cách làm 3 kiểu áo phao từ những vật dụng sẵn có trong gia đình của cô giáo Hiệp.

Với cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, sáng kiến của cô Hiệp được Ban giám hiệu trường THCS Vân Hà ủng hộ và đánh giá cao. Sáng kiến đã chung tay góp phần đẩy lùi tình trạng đuối nước ở trẻ em, đóng góp vào việc giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ý tưởng giàu sáng tạo ấy đã và đang mang ý nghĩa đẹp đẽ về lòng nhân ái cùng niềm mong ước một cuộc sống yên bình với môi trường xanh - sạch - đẹp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần