70 năm giải phóng Thủ đô

Cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp: Đề nghị hỗ trợ 50% chi phí cho nông dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Cơ giới hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp để thực hiện mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, nâng cao mức sống cho người dân" - Đó là nhận định của ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội tại Hội thảo "Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp đô thị" được tổ chức tại huyện Thạch Thất (ngày 20/11).

Không chỉ trong trồng trọt

Hà Nội là một trong những địa phương sản xuất lúa lớn ở miền Bắc, với diện tích hàng năm đạt trên 200.000ha. Tuy nhiên, ruộng đất của các hộ nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún, bình quân 4,8 thửa/hộ với diện tích 400m²/thửa, nhiều nơi chỉ đạt 200m²/thửa. Đây là rào cản lớn với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa trên địa bàn thành phố. Theo số liệu từ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa của thành phố mới tập trung ở khâu làm đất (đạt trên 80%), khâu cấy cơ bản vẫn theo phương pháp gieo cấy truyền thống. Các khâu khác như thu hoạch, chế biến, bảo quản cũng chủ yếu theo hình thức thủ công, quy mô hộ gia đình.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, cơ giới hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp để thực hiện mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, nâng cao mức sống cho người dân. Trước yêu cầu của sản xuất hiện nay, việc cơ giới hóa không chỉ được ứng dụng trong trồng trọt mà còn phải triển khai trong các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến rau an toàn... Tuy nhiên, hiện nay việc cơ giới hóa ở Hà Nội thực hiện được chưa nhiều do vấn đề dồn điền đổi thửa còn hạn chế.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng nhận định, ngành nông nghiệp Hà Nội và nhiều địa phương khác đang chịu thách thức lớn là đô thị hóa, công nghiệp hóa làm giảm diện tích đất canh tác. Cùng với đó là sức ép về thiếu lao động nông nghiệp, giá công lao động cao, yêu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Để vượt qua được thách thức đó, đòi hỏi phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó có cơ giới hóa.

Có cơ chế hỗ trợ

Để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, yêu cầu trước tiên phải làm tốt công tác dồn ô đổi thửa, tạo vùng sản xuất lớn. Vì vậy, cần phải có sự liên kết giữa các hộ nông dân có ruộng liền kề để phá bỏ bờ vùng bờ thửa, tạo thuận lợi đưa máy móc vào đồng ruộng. Tuy nhiên, để việc ứng dụng cơ giới hóa được rộng rãi, cần có cơ chế hỗ trợ người nông dân bởi hiện nay giá máy móc còn quá cao. "Một số máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản như máy làm đất, gặt đập liên hợp có chất lượng tốt nhưng giá thành quá cao. Một chiếc máy gặt đập liên hợp có giá lên tới 650 triệu đồng, nếu không có chính sách hỗ trợ, người dân không thể mua được" - ông Bùi Quốc Thạch, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Đại diện nhiều địa phương cũng cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ người dân mua máy móc, các địa phương cần phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT sớm triển khai Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông lâm thủy sản. Đặc biệt, xúc tiến thành lập các HTX dịch vụ làm nhiệm vụ cơ giới hóa để hỗ trợ cho người dân. Về phía các doanh nghiệp cần nghiên cứu chính sách trợ giá cho nông dân, có cơ chế bán hàng như bán trả chậm từ 30 - 50%.

Với Hà Nội, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở đã xây dựng Đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp đang trình HĐND, UBND TP, trong đó có đề nghị chính sách hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc cho người nông dân. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa và tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân - HTX trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, từ làm đất, ngâm ủ, gieo sạ, phun thuốc đến thu hoạch tại 4 điểm với diện tích 380ha. Trong đó hỗ trợ 20 máy làm đất, 11 máy gặt đập liên hợp, 19 máy phun thuốc. Bước đầu mô hình cho kết quả tốt, giảm chi phí sản xuất 6 - 8 triệu đồng/ha so với phương pháp truyền thống.