Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có hay không “hạ chuẩn” đào tạo tiến sĩ?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (Quy chế 18) do Bộ GD&ĐT ban hành đang nhận được nhiều luồng quan tâm của dư luận và giới khoa học; trong đó có những băn khoăn liên quan đến việc có hay không “hạ chuẩn” đào tạo trình độ tiến sĩ khi đưa ra 1 trong những yêu cầu đầu ra đối với nghiên cứu sinh (NCS) là “có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước”.

Hướng đến tự chủ học thuật
Quy chế tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ có thể giải quyết những khó khăn thách thức trong tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ, nhất là trong bối cảnh tự chủ đại học. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thì trong các quyền tự chủ đại học, tự chủ về học thuật đóng vai trò quan trọng bậc nhất.
Quy chế tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ (Quy chế 18) đã tăng cường mạnh mẽ quyền và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo tiến sĩ theo hướng tự chủ học thuật. Theo đó, quyền và trách nhiệm tự chủ học thuật không chỉ thuộc cơ sở đào tạo, mà còn của các nhà khoa học, các chuyên gia từ cấp bộ môn tới các chuyên gia phản biện độc lập, thành viên hội đồng bảo vệ luận án… cho đến giới khoa học nói chung. Quy chế 18 cũng tăng cường liêm chính học thuật và sự giám sát của các bên liên quan, giới khoa học.
 Quy chế 18 nâng cao trách nhiệm của NCS trong quá trình học tập và nghiên cứu (Ảnh minh họa)
Quy định về việc đảm bảo liêm chính học thuật được nêu trong Quy chế 18 để các trường - với tư cách là cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tiếp tục xây dựng, làm rõ yêu cầu này trong quy chế đào tạo tiến sĩ riêng của mình. Quy định của các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ và có các giải pháp trong việc chống đạo văn, đảm bảo liêm chính học thuật.
Quy chế 18 cũng nâng cao trách nhiệm của NCS trong quá trình học tập và nghiên cứu, đặc biệt là tuân thủ quy định về thời gian theo hình thức đào tạo chính quy. Theo đó, quy định NCS phải tập trung đủ thời gian tại cơ sở đào tạo và tham gia sinh hoạt chuyên môn như giảng viên trợ giảng hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo…
Quy chế quy định nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu, bắt buộc trong chương trình đào tạo tiến sĩ. Quy định này là tiền đề để các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, hướng vào chất lượng và sản phẩm nghiên cứu minh chứng cho việc thực hiện chương trình. Quy trình tổ chức phản biện được quy định một cách linh hoạt nhưng lại chặt chẽ, khách quan hơn, nâng cao vai trò giải trình của người học, bảo vệ các quan điểm khoa học.
Quy chế quy định rõ NCS cần có một kế hoạch học tập toàn khóa và phải được phê duyệt. Điều này là căn cứ quan trọng để các cơ sở đào tạo cũng như cơ quan cử NCS đi học tập, nghiên cứu có thể quản lý quá trình đào tạo một cách minh bạch, hiệu quả. Đây cũng là cơ sở cho việc giám sát của cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GD&ĐT.
Không “hạ chuẩn” đào tạo trình độ tiến sĩ
Một trong những điểm thu hút sự quan tâm và ý kiến đa chiều của dư luận và giới khoa học, đó là liệu quy chế mới có hạ thấp chuẩn đầu vào, đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế đối với cả người hướng dẫn và NCS so với trước hay không khi tham chiếu vào Điều 14 “Đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn”.
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, cần thống nhất nhận thức rằng, đây là quy chế khung, bao gồm các quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ. Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình; đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.
Việc xây dựng, ban hành Quy chế 18 song song với xây dựng ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của GDĐH, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF). Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai VQF, các hội đồng nhóm ngành, khối ngành sẽ xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo (gồm các yêu cầu tối thiểu) với các đặc thù riêng, chặt chẽ hơn cả về đầu vào, đầu ra, có thể cao hơn so với chuẩn theo trình độ và phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề đào tạo.
Tại Điều 14, việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi NCS đáp ứng đủ những yêu cầu theo quy chế và yêu cầu bổ sung của cơ sở đào tạo đối với từng chương trình đào tạo (nếu có).
 Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy: Tự chủ về học thuật đóng vai trò quan trọng 
“Trong những yêu cầu được nêu tại Quy chế, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của NCS. Có lẽ, chúng ta cần thống nhất chia sẻ quan điểm khi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của bài báo, công trình khoa học đối với việc đào tạo tiến sĩ. Đây là một trong những minh chứng, chỉ số để đánh giá chất lượng học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong quá trình đạt tới học vị tiến sĩ. Tuy nhiên, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại”- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu ý kiến.
Thêm nữa, Quy chế 08 năm 2017 có quy định công nhận các báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện, chưa xem xét cụ thể mức độ uy tín của hội nghị hay hội thảo. Quy chế 18 đã quy định cụ thể hơn về những ấn phẩm được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá, và các hội nghị khoa học cũng phải thuộc danh mục WoS/Scopus.
Như vậy, so với thời điểm ban hành Quy chế 08 năm 2017, hiện nay, các tạp chí, ấn phẩm trong nước đã có nhiều đầu tư về nguồn lực và chuyên môn, đã có sự thay đổi nhiều về chất. Không chỉ là diễn đàn khoa học, đây còn là nơi công bố các nghiên cứu, tư vấn chính sách… có ý nghĩa thực tiễn với Việt Nam, được thành lập và hoạt động dưới sự cho phép và quản lý của các cơ quan chức năng.
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy: Trên thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.
Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào nhưng quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…

Bạn đọc có thể xem Quy chế 18 <TẠI ĐÂY>