Cơ hội bứt tốc chuyển đổi số của ngành tài chính ngân hàng mùa dịch Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và DN. Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

Bùng nổ nhiều dịch vụ tiện ích
Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước tiên là ngành tài chính - ngân hàng. Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung, và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Ngành tài chính là một trong những bộ, ngành đã tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số, trong đó, đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở.
 Nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm chuyển đổi số toàn diện. Ảnh: Trần Việt
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành tài chính ngân hàng đã “bùng nổ” nhiều dịch vụ tạo thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, 2 lĩnh vực là quản lý thuế và hải quan đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp, chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại hóa để số hóa. DN, người dân thấy rõ sự công khai minh bạch.
DN, người dân cũng thấy rõ khi Tổng cục thuế thực hiện chương trình kê khai nộp thuế thông qua hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt khi triển khai hệ thống kê khai thuế điện tử này lại kết nối được với hệ thống ngân hàng để thực hiện quá trình giao dịch, nộp tiền, chuyển tiền, thanh toán tiền, đã giúp DN tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
GS.TS Hoàng Văn Cường đưa thêm dẫn chứng, với ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với ngân hàng và thực hiện dịch vụ 24/7, các thủ tục được thực hiện vô cùng nhanh chóng, giúp cho thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút. Con số đánh giá là khoảng 98% DN, người dân rất hoan nghênh và đón nhận. Đặc biệt, trong bối cảnh các hoạt động giao tiếp trực tiếp không thực hiện được do dịch Covid-19.
Trong ngành hải quan, hiện có đến 99% thủ tục đều được thông quan điện tử và gần như các DN tiếp nhận ngay phương thức này. Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá khách quan và thừa nhận thành công này của hải quan. Người ta tính ra, sự cắt giảm thời gian nhờ thông quan điện tử đã tiết kiệm 200 triệu USD/năm.
Điều đó không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho DN, người dân mà còn tăng tính công khai, minh bạch; làm thay đổi phương thức giao tiếp, giảm thiểu tiêu cực, tạo ra môi trường kinh doanh có lợi cho DN, thu hút nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế.
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại dịch Covid-19 chính là thời cơ, là cú huých để triển khai chuyển đổi số. Hiện nay, chuyển đổi số ở Việt Nam đang khá thuận lợi. Trong đó, yếu tố “thiên thời” thúc đẩy chuyển đổi số chính là Chính phủ, đã kịp thời ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới; xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Về yếu tố “địa lợi”, theo TS Vũ Tiến Lộc, hạ tầng kinh tế số của chúng ta phát triển khá nhanh và cho đến thời điểm hiện nay đã đạt được trình độ tương đương với các quốc gia Top đầu trong khu vực. Thứ hai là ngành công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông - bộ phận nền tảng của ngành kinh tế số của chúng ta phát triển rất mạnh mẽ và cũng thuộc nhóm đầu. Đơn cử, có thể thấy rằng cho đến thời điểm 2020, chúng ta có 11 DN cung cấp dịch vụ viễn thông di động, đến nay thì gần như toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam đã được phủ sóng di động và mạng cáp quang, đây là nền tảng hết sức quan trọng.
Về hạ tầng dữ liệu quốc gia, chúng ta đang có những nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Chúng ta đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài nguyên, cơ sở dữ liệu vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong các ngành quan trọng như năng lượng, cơ sở hạ tầng, chữa bệnh, giáo dục đào tạo...
Đứng ở góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đang chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. Truớc đây, VNPT làm việc, cung cấp những sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước, DN, với các ngành giáo dục, y tế... Trong quá trình đó, đơn vị đã xây dựng hệ sinh thái rất đầy đủ trong tất cả lĩnh vực như chính quyền số, y tế số, giáo dục số, tài nguyên và môi trường, quản trị DN... Hiện đơn vị đang tiếp tục nâng cấp và xây dựng những trung tâm hạ tầng tính toán và phục vụ cho AI, để có thể cung cấp hạ tầng cho các DN, cá nhân tại Việt Nam.