Cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt tiếp cận công nghệ mới

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chợ Máy và Nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương quy tụ hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều máy móc thiết bị công nghệ hiện đại được giới thiệu tại hội chợ này...

Khách tham quan gian trưng bày máy móc, công nghệ chế biến gỗ tại hội chợ.
Khách tham quan gian trưng bày máy móc, công nghệ chế biến gỗ tại hội chợ.

Một máy thay hàng trăm lao động

Ngành chế biến gỗ, dệt may, da giày… được ghi nhận là ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Chính vì thế, tại hội chợ này, các nhà sản xuất máy móc, thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới như: Juguar, Nanxing, Fuvico, ABC... đã mang đến nhiều cỗ máy hiện đại, cùng lúc có thể thay thế cả một dây chuyền sản xuất với hàng trăm lao động.

Điển hình như, máy phủ sơn từ 1 đến nhiều lớp của Công ty TNHH SX TM XNK Trường Phùng (Công ty Trường Phùng). Ông Liu Chang Gen - Tổng Giám đốc Công ty này giới thiệu: Trong ngành chế biến gỗ, khâu sơn là khó khăn nhất vì nhiệt độ, mùi sơn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động.

"Công ty chúng đã nghiên cứu, chế tạo ra hệ thống dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại từ sấy khô tiệt trùng, phun sơn đến dán gỗ. Các công đoạn được kết nối với nhau bằng hệ thống băng chuyền. Hiệu suất sản xuất mỗi dây chuyền tương đương với 100 lao động giỏi, nhưng giá chỉ bằng 1/3 đến 1/5 so với sản phẩm sản xuất tại châu Âu" - ông Liu Chang Gen chia sẻ.

Công nghệ hiện đại vừa tiết kiệm diện tích nhà xưởng vừa giảm số lượng lao động cho doanh nghiệp.
Công nghệ hiện đại vừa tiết kiệm diện tích nhà xưởng vừa giảm số lượng lao động cho doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Như Lý - đại diện Tập đoàn máy móc NanXing cho biết: Các dòng máy mới của NanXing, ứng dụng công nghệ hiện đại có thể thay thế con người thực hiện các khâu mà trước đây chỉ có con người mới làm được như dán nhãn, bo cạnh gỗ.

"Máy sẽ dán đúng theo lập trình được cài đặt không bỏ sót, không dán nhầm, đảm bảo chất lượng. Nhiều nhà máy sản xuất, chế biến gỗ từng bước thay thế, đổi mới công nghệ hiện đại vừa tiết giảm diện tích nhà xưởng, chất lượng sản phẩm bảo đảm và tiết giảm được số lượng lớn lao động" - bà Phan Thị Như Lý chia sẻ.

Đa dạng sản phẩm công nghiệp phụ trợ

Trước đây, các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ ngành gỗ chỉ tập trung vào các sản phẩm ốc vít, bản lề (ngũ kim)… thì ngày nay, keo dán vừa làm tốt nhiệm vụ kết dính, chống thấm nước vừa tăng tuổi thọ, nét thẩm mỹ của sản phẩm gỗ.

Ông Nguyễn Hùng Việt - Giám đốc Kinh doanh tiếp thị, Công ty SEC (Đức) chia sẻ: "Keo dán hiện nay có thể thay thế gần như hoàn toàn các sản phẩm kim loại làm nhiệm vụ kết dính. Ngoài ra, keo còn có tác dụng bảo vệ, chống thấm nước, tăng tuổi thọ của gỗ. Tùy vào yêu cầu sử dụng và sản phẩm của khách hàng, chúng tôi tổng hợp, cung cấp sản phẩm keo phù hợp vừa bảo đảm yêu cầu sản xuất vừa phù hợp các tiêu chuẩn y tế, môi trường khác nếu có yêu cầu."

Doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu gỗ từ châu Mỹ chào đón khách tham quan
Doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu gỗ từ châu Mỹ chào đón khách tham quan

Là nhà sản xuất ván sàn xuất khẩu đi thị trường Mỹ, châu Âu, bà Đỗ Thị Kim Loan - Tổng Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam (Bình Dương) cho biết: "Sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu phải vượt qua nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, thẩm mỹ, pháp lý cũng như nguồn gốc của các loại nguyên liệu."

"Nguồn gốc của gỗ, lý lịch, chất lượng các sản phẩm phụ trợ, như: Keo, sơn, bao bì… đều phải bảo đảm tiêu chuẩn sạch, hợp vệ sinh. Khách hàng của chúng tôi giải thích với chúng tôi rằng, "không phải chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn để làm khó các bạn, mà để bảo vệ chúng tôi và khách hàng của chúng tôi. Bởi vì, nếu nguyên liệu, sản phẩm không sạch, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng” - bà Đỗ Kim Loan chia sẻ.

Sự vươn lên của doanh nghiệp Việt

Tham quan Hội chợ Máy và Nguyên liệu gỗ Quốc tế Bình Dương, nhiều người sẽ có cảm giác nơi đây là cuộc đua tài, trình diễn tay nghề giữa các nhà cung cấp máy móc và các nhà sản xuất, chế biến gỗ.

Giữa nhiều doanh nghiệp đến từ châu Mỹ, châu Âu, các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Nam Á như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan… điều khiến nhiều khách hàng bất ngờ là bộ sản phẩm "Ván sàn kết hợp sưởi ấm", giúp các gia đình "xứ lạnh" tiết kiệm chi phí nhờ không phải sử dụng lò sưởi của Công ty MTrade (MP Global) - Doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam.

Bộ sản phẩm ván sàn sinh nhiệt của doanh nghiệp Việt Nam được khách hàng các nước châu Âu, Mỹ quan tâm lựa chọn.
Bộ sản phẩm ván sàn sinh nhiệt của doanh nghiệp Việt Nam được khách hàng các nước châu Âu, Mỹ quan tâm lựa chọn.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Tùng Dương - Phụ trách maketting Công ty MTrade (MP Global) cho biết: Bản thân gỗ không thể sinh nhiệt, làm nóng, cho nên nhà sản xuất đã gắn thiết bị sinh nhiệt cộng với thiết bị cảm ứng vào sản phẩm, khi có người ngồi, nằm lên thì bộ giường, ghế sẽ tự ấm; khi người rời đi, thiết bị sẽ tự ngắt, nhằm tiết kiệm năng lượng.

"Các thiết bị này của chúng tôi đang được các nhà thầu xây dựng, trang trí châu Âu, Mỹ và các nước có khí hậu lạnh ưa chuộng” - bà Nguyễn Tùng Dương cho biết.

 

Bình Dương được xem là “thủ phủ” của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ 14,21 tỷ USD, trong đó, Bình Dương đạt kim ngạch 6,12 tỷ USD bằng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2022, ngành chế biến gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, trong đó, ngành chế biến gỗ Bình Dương chiếm 50% tổng kim ngạch (9 tỷ USD).

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa) cho hay, đến tháng 3/2022, doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh Bình Dương đã có đủ đơn hàng sản xuất cho cả năm.