Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và Trung Đông tập trung vào mặt hàng gạo, hàng điện tử và linh kiện, dệt may, sản phẩm cao su, giày dép, càphê, hải sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng và chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong khi các thị trường khác trên thế giới đang có xu hướng bão hòa thì châu Phi và Trung Đông được đánh giá là nhiều tiềm năng và cơ hội đối với việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi hội thảo "Đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-Châu Phi-Trung Đông," do Bộ Công Thương tổ chức sáng 11/6.

Về những cơ hội đang rộng mở tại hai thị trường này, ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi-Tây Á-Nam Á (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5%/năm, thế mạnh về dầu mỏ, khí đốt, công nghệ sinh học, công nghệ hóa dầu..., châu Phi, Trung Đông thực sự là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và Trung Đông tập trung vào mặt hàng gạo, hàng điện tử và linh kiện, dệt may, sản phẩm cao su, giày dép, càphê, hải sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng và chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi - Ảnh 1
 
Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi các sản phẩm chất dẻo nguyên liệu, dầu mỏ, phân bón, hóa chất, khí hóa lỏng (LPG), sắt thép.

Xét về tổng thể, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của các bên đều mang tính bổ sung cho nhau; hàng hóa Việt Nam bước đầu đã tạo dựng được chỗ đứng cũng như uy tín đối với người tiêu dùng tại hai khu vực này.

Tuy nhiên, do nhiều hợp đồng giao dịch của doanh nghiệp Việt Nam thường phải qua trung gian là nước thứ ba, nên khi giao dịch với thị trường châu Phi có thể dẫn đến những rủi ro ngoài ý muốn. Đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam nên cẩn trọng với những lời đề nghị mua hàng với giá trị hợp đồng lớn, điều kiện giao dịch đơn giản...

Trước đó, ngày 7/9/2012, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Châu Phi-Trung Đông đã chính thức ra mắt, làm cầu nối doanh nghiệp- doanh nghiệp, doanh nghiệp-Chính phủ.

Sự ra đời của Diễn đàn là một trong những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp muốn xâm nhập hai thị trường trên.

Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam đã mở 9 đại sứ quán và 5 cơ quan thương vụ của Việt Nam; Việt Nam đã có quan hệ xuất, nhập khẩu với 55 nước châu Phi.

Trong đó, Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Côte d'Ivoire, Angola, Ghana, Tanzania (châu Phi), Ảrập Xêút, Benin, Iran, Kuwait, Oman, Lebanon, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE (Trung Đông) được xem là thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký hiệp định thương mại với 15 nước thuộc châu Phi, Trung Đông và ký hiệp định khung với 17 nước châu Phi, mở ra những thuận lợi nhất định trong trao đổi thương mại.
 
Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và châu Phi đạt gần 2,6 tỷ USD, năm 2011 là 3,5 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,8 tỷ USD.

Thị trường Trung Đông cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, năm 2010, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Đông đạt 3,31 tỷ USD, tăng 44,7%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 1,65 tỷ USD; năm 2011 đạt 5,2 tỷ USD còn 8 tháng đầu năm 2012 là 3,95 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 2,45 tỷ USD.