Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội để doanh nghiệp hiểu hơn thị trường nội địa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc UBNDTP Hà Nội tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp doanh nghiệp (DN) gần gũi hơn với người tiêu dùng trong nước. Đó là nhận định của hầu hết các DN tham gia phát động cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do UBNDTP tổ chức ngày 28/11,

KTĐT - Việc UBNDTP Hà Nội tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp doanh nghiệp (DN) gần gũi hơn với người tiêu dùng trong nước. Đó là nhận định của hầu hết các DN tham gia phát động cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do UBNDTP tổ chức ngày 28/11, tại Trung tâm Thể dục - Thể thao huyện Thạch Thất.

Doanh số tăng mạnh

Mới hơn 7 giờ sáng, nhưng tại Trung tâm Thể dục - Thể thao huyện Thạch Thất đã tấp nập người dân đến xem hàng và mua sắm. Tại gian hàng của Công ty cổ phần Thương mại - Đầu tư Long Biên, 100% các sản phẩm đều có quà tặng đính kèm, cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá... Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại - Đầu tư Long Biên tâm sự: Theo kế hoạch thì 9 giờ sáng hội chợ mới bán hàng, nhưng ngay từ tối hôm trước người dân đã đến xem và mua sắm rất đông. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con, đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng trị giá gần 1 tỷ đồng, chủ yếu là  hàng Việt Nam có thương hiệu, chất lượng bảo đảm.

Ông Vũ Thanh Sơn-Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Tham gia chương trình này, Hapro đã huy động 6 đơn vị thành viên gồm: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thực phẩm Hà Nội, Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi; Công ty Thương mại Dịch vụ Thời trang Hà Nội; Công ty Cổ phần Thủy Tạ, Trung tâm thương mại dịch vụ Bốn mùa… Để đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ bà con huyện Thạch Thất trong ba ngày bán hàng (28-30/11), các đơn vị này đã chuẩn bị một lượng hàng hóa  trị giá gần 5 tỷ đồng. Hầu hết các đơn vị đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà với tổng trị giá lên đến 500 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Như Mai- Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết thêm: Trong dịp này cũng có nhiều doanh nghiệp của Hà Nội cũng tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn như: Công ty Cô phần Cao su Hà Nội; Công ty TNHH 1 thành viên Thống Nhất; Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Công ty TNHH LADODA, Hiệp Hưng…hàng hóa của những đơn vị này đều được khuyến mại giảm giá từ 5-10% giá bán.

Việc các doanh nghiệp tăng cường khuyến mại, cùng với việc người dân đã tin tưởng vào chất lượng hàng nội nên ngay trong ngày đầu bán hàng, sức mua tăng cao. Chị Thúy Nga cho biết: Ngay trong ngày đầu bán hàng, doanh thu của công ty đã đạt trên 90 triệu đồng, hy vọng những ngày sau doanh thu của đơn vị còn cao hơn nữa. Ông Trương Minh Thanh-Phó tổng giám đốc Hapro hồ hởi thông báo: Chỉ riêng trong ngày bán hàng đầu tiên, tổng doanh thu của Hapro đã lên đến 680 triệu đồng. Với mức tiêu thụ mạnh như vậy, dự kiến trong 3 ngày bán hàng tại đây doanh thu của Hapro có thể đạt 3,5 tỷ đồng.

Cơ hội cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng: Các doanh nghiệp trên địa bàn Há Nội cần coi đây là cơ hội phát triển, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Phó chủ tich cũng lưu y, để cuộc vận động đi vào chiều sâu, UBNDTP yêu cầu các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách khi mua sắm công cần ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của DN Việt Nam. Các DN sản xuất, kinh doanh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên vật liệu trong nước khi thực hiện các dự án, công trình. DN khi đưa hàng Việt về tiêu thụ tại nông thôn cần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ theo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực hiện những chương trình giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại sản phẩm minh bạch; bảo đảm chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, bảo vệ môi trường, thị hiếu và văn hóa  người tiêu dùng theo phân khúc thị trường…

Để cuộc vận động triển khai thực sự có hiệu quả, UBND TP đã đề ra một số biện pháp hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, như giúp DN lựa chọn công nghệ để đổi mới dây chuyền, trang thiết bị sản xuất; tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng, mạng lưới phân phối; xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa... Khi DN đưa hàng về bán ở nông thôn, khu công nghiệp cũng được hỗ trợ một phần kinh phí. Để người tiêu dùng, DN hiểu rõ hơn cuộc vận động này, trong thời gian tới Hà Nội cũng sẽ tổ chức một số triển lãm, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng như hội thảo về tâm lý người tiêu dùng để DN có định hướng đúng khi sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa. Dự kiến mỗi năm một lần, TP sẽ tổ chức một cuộc bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, thương hiệu DN được người tiêu dùng Hà Nội tín nhiệm.

Nhằm giảm bớt phiền hà cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ngoài việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, TP sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra toàn diện, công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá sản phẩm, hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh các hoạt động quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… trên địa bàn.