Để có cách nhìn sâu hơn trong lĩnh vực quy hoạch khi Luật Thủ đô có hiệu lực, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở QH - KT Dương Đức Tuấn.
Trong Luật Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội (QHC) đã được nhắc đến như một "nòng cốt" của công tác quy hoạch. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Với mỗi một hệ luật lại có một quy hoạch, Luật Đất đai có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật Đê điều có quy hoạch đê điều; ngành giáo dục, ngành y tế đều có quy hoạch ngành… Nhưng, quy hoạch không gian của QHC là tổng hợp của các quy hoạch. Vì vậy, sử dụng QHC để làm cốt lõi cho xây dựng và phát triển Thủ đô là phù hợp và đảm bảo khả thi.
Một trong những điểm mới của Luật Thủ đô là khi triển khai dự án phát triển đường giao thông đồng thời với việc tổ chức thu hồi đất hai bên đường. Trong ảnh: Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Hùng Việt
Quốc hội đã phân tích và thống nhất sử dụng QHC là quy hoạch không gian có sử dụng đất, một quy hoạch tổng hợp. Điều này rất quan trọng vì hiện nay yếu kém của chúng ta là quá nhiều quy hoạch, quy hoạch nọ mâu thuẫn, chồng lấn quy hoạch kia, không biết quy hoạch nào là cơ sở, không phân định được chính - phụ, trước - sau. Thêm vào đó, "cỗ máy" triển khai các quy hoạch quá đa chiều, dẫn tới việc quản lý khu vực đô thị, ngoài đô thị, có phần xung đột, yếu kém, làm chậm, thậm chí làm sai quá trình phát triển. Khoản 1 Điều 8 Luật Thủ đô quy định rất rõ, "Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo QHC, các quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật liên quan". Khi triển khai các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành của quốc gia cũng phải phù hợp và tuân thủ QHC. Như vậy, độ "pha quét" của QHC là rất lớn.
Luật Thủ đô sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội trong công tác quản lý với những quy định rất mới, đặc biệt là trong quy hoạch?
Tại Điều 9 của Chương II Luật Thủ đô có nét rất mới đó là xác định biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch. Ví dụ như: trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Luật cũng đã giao nhiệm vụ cho Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, một số bệnh viện, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành. Như vậy, nội đô lịch sử (cơ bản là 5 quận) là đương nhiên nhưng như Luật Thủ đô đề cập thì sẽ bao gồm cả 10 quận nội thành sẽ tuân thủ quy định này. Đây là giải pháp để giảm sức ép dân cư, giảm chất tải cho hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nội thành và nội đô, phân bố lại hệ thống hạ tầng cho hợp lý.
Nội dung của Khoản 3 Điều 9 của Luật cũng là một điểm mới. Theo đó, khi triển khai dự án phát triển đường giao thông đồng thời với việc tổ chức thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng như đường Vành đai 1 đoạn tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, mở đường mà "mất" hai bên đường.
Giảm dân số trong khu vực nội đô lịch sử là việc rất khó, vậy Luật Thủ đô có là điểm tựa để giải quyết vấn đề này?
Theo QHC với lộ trình đến 2030, dân số của khu vực nội đô lịch sử phải giảm từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân. Đây là vấn đề rất khó mà Hà Nội đã từng không thành công. Theo Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội chủ trì lập tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khu vực nội đô lịch sử để làm cơ sở pháp luật cho quy hoạch, thiết kế đô thị, phục vụ cho quản lý đô thị và cấp phép xây dựng. Đồng thời, Hà Nội được giao chủ trì làm việc với Bộ Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (theo luật chuyên ngành thì việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan T.Ư).
Trên cơ sở này, Hà Nội có thể quản lý được dân cư, khắc phục được một số vấn đề tồn tại của quá trình thực hiện quy hoạch, tạo lập cơ sở nâng cao giá trị không gian của khu vực nội đô lịch sử. Hà Nội cũng được trao "công cụ" lập thiết kế đô thị và tiến hành kiện toàn không gian kiến trúc cảnh quan. Đây là cơ chế đặc thù giúp Hà Nội có thể sớm nhất, chuẩn hóa nhất đổi mới không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực đô thị.
Xin cảm ơn ông!
Để thể chế hóa các quy định được giao, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật trong tổ chức thực hiện Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-UBND về Kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy phạn pháp luật của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP. Theo đó sẽ có 10 Nghị quyết của HĐND, 4 văn bản quyết định của UBND và một quyết định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ mà Luật Thủ đô đã giao trách nhiệm cho UBND TP chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng chuẩn bị và trình. |