95 năm ngày thành lập đảng

Cơ hội đi làm việc ở nước ngoài thu nhập cao dành cho người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH tiếp tục mở rộng, phát triển những thị trường lao động mới có mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đi làm việc ở nước ngoài không chỉ có thu nhập cao

Theo Bộ LĐTB&XH, công tác đưa người lao động ở nước ngoài trong năm qua phục hồi nhanh chóng. Hoạt động tuyển chọn, đào tạo nguồn, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Số người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Năm 2024 các DN đã đưa 158.588 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 126,9% kế hoạch năm. Trong đó, hai thị trường dẫn đầu số người lao động Việt Nam đến làm việc là: Nhật Bản 71.518 người, Đài Loan (Trung Quốc) 62.282 người, tiếp đến là Hàn Quốc 13.649 người, Trung Quốc 2.335 người...

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, đồng thời tăng tích lũy, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình. Không những thế, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tự tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc, trình độ ngoại ngữ và kiến thức xã hội.

"Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế” – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức Hội chợ việc làm dành cho người lao động EPS và thực tập sinh JM Japan về nước.
Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức Hội chợ việc làm dành cho người lao động EPS và thực tập sinh JM Japan về nước.

Việc hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước là một trong những giải pháp quan trọng có tính nhân văn, tạo cơ hội cho họ tìm được việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống. Bởi vậy, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng trở về hòa nhập vào thị trường lao động trong nước.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức 4 hội chợ việc làm dành cho người lao động EPS và thực tập sinh JM Japan về nước, thu hút 222 lượt DN tham gia với hơn 18.565 chỉ tiêu tuyển dụng. Qua đó đã cung cấp thông tin, tư vấn việc làm cho trên 6.000 người lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan. Từ những kết quả trên, ngày 18/11/2024, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội chợ việc làm dành cho người lao động EPS và thực tập sinh JM Japan về nước thu hút 45 DN tham gia với 1.337 chỉ tiêu tuyển dụng.

Ký kết, mở rộng thị trường lao động

Hiện nay, cả nước có khoảng 700.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 – 4 tỷ USD mỗi năm. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) Phạm Viết Hương, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải có chuyên môn, kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ; về phía DN phải khai thác thị trường và bảo vệ người lao động. Nhà nước cần đảm bảo môi trường lành mạnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam và Thống đốc tỉnh Mie Katsuyuki Ichimi ký kết Bản ghi nhớ hợp tác lao động.
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam và Thống đốc tỉnh Mie Katsuyuki Ichimi ký kết Bản ghi nhớ hợp tác lao động.

Bên cạnh những thị trường lao động truyền thống đang ổn định, Bộ LĐTB&XH tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường có mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu như Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Ba Lan, Nga...

Những ngày đầu năm 2025, Bộ LĐT&XH đã ký biên bản ghi nhớ với các nước về hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, ngày 13/1/2025, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen đã ký Bản ghi nhớ, qua đó thiết lập quan hệ đối tác về di cư lao động giữa hai bên. Bản ghi nhớ hợp tác bền vững, cùng có lợi có giá trị trong 5 năm (2025 - 2030) là nền tảng để thúc đẩy đưa chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan được minh bạch, bền vững, có đạo đức, chống lại tình trạng bóc lột, lạm dụng.

Người lao động làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Người lao động làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh

Ngày 15/1/2025, Bộ LĐTB&XH đã ủy quyền Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước  Tống Hải Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác lao động với Thống đốc tỉnh Mie (Nhật Bản) Katsuyuki Ichimi. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, giúp thúc đẩy việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định Việt Nam tại Nhật Bản. Bản ghi nhớ dự kiến có hiệu lực từ năm 2027 sẽ tạo cơ sở pháp lý bền vững, lâu dài cho quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Với việc ngành LĐTB&XH và các DN tìm kiếm những thị trường lao động tiềm năng cùng các giải pháp hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như khi trở về tìm việc làm đúng chuyên môn, thu nhập cao sẽ giúp họ đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cũng giúp các DN trong nước có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, có tác phong công nghiệp và trình độ ngoại ngữ để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.