Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội kiếm tiền từ viết ứng dụng di động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường viết ứng dụng cho ĐTDĐ do người Việt phát triển được nhận định rất tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang rất manh mún và tự phát.

KTĐT - Thị trường viết ứng dụng cho ĐTDĐ do người Việt phát triển được nhận định rất tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang rất manh mún và tự phát.

Ứng dụng cho “dế” lên ngôi

Giữa tháng 6 vừa qua, 9 hãng CNTT và phần mềm Việt Nam đã ký kết với Samsung về việc viết phần mềm ứng dụng trên nền tảng Bada cho ĐTDĐ Samsung, các ứng dụng này sẽ có trong tháng 7.

Ngoài Samsung, các đại gia ĐTDĐ nổi tiếng thế giới như Nokia, HTC cũng đã quan tâm đến mối hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng Việt. Thực tế, mối hợp tác giữa nhà viết ứng dụng và hãng sản xuất ĐTDĐ sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 đối tượng, đó là hãng sản xuất, nhà viết ứng dụng và người dùng di động.

Ông Đinh Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH ViMobi, hãng sở hữu diễn đàn công nghệ nổi tiếng tinhte và cũng là 1 trong 9 đối tác Việt Nam ký kết với Samsung, cho biết nhà sản xuất ĐTDĐ sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ đưa ứng dụng lên máy ĐTDĐ, trong khi đó hãng viết ứng dụng chịu trách nhiệm viết phần mềm sao cho tương thích với hệ điều hành của máy ĐTDĐ. Ông Thành khẳng định cách làm này không khiến giá thành thiết bị đầu cuối đắt hơn vì ứng dụng được cài lên rất nhiều sản phẩm, trong khi đó sản phẩm lại tăng tính cạnh tranh.

Là một đối tác chiến lược của Samsung, ông Hồ Minh Đức, Phó TGĐ Naiscorp cho biết hợp tác giữa Naiscorp với Samsung sẽ tiến hành trong 2 năm, Naiscorp sẽ phát triển phần mềm ứng dụng “Socbay iMedia” trên “dế” Samsung với 5 ứng dụng cụ thể là tin tức, truyện, cẩm nang, MP3 và hình ảnh.

Trong mối hợp tác này, hai bên cùng kết hợp quảng bá, tiếp thị hình ảnh các dòng sản phẩm điện thoại Samsung và phần mềm ứng dụng mobile “Socbay iMedia”. Samsung sẽ hỗ trợ các máy điện thoại chạy trên nền tảng hệ điều hành Bada để Naiscorp nghiên cứu phát triển ứng dụng sao cho độ tương thích với các dòng máy này được cao nhất.

Với nỗ lực khẳng định thương hiệu Việt cho những mẫu ĐTDĐ của mình, hãng FPT cũng đã ra mắt dòng điện thoại thông minh đầu tiên F99. FPT cho biết điểm nhấn cạnh tranh của F99 chính là kho ứng dụng riêng F-Store, chứa đựng các ứng dụng thuần Việt.

Quá ít ứng dụng do người Việt viết

Ông Dương Ngọc Cường, GĐ Trung tâm Phát triển nội dung của Công ty Cổ phần Truyền thông VMG cho rằng nhà sản xuất điện thoại đang hướng đến việc cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích tích hợp sẵn vào điện thoại. Điều này trở thành xu hướng của các hãng sản xuất ĐTDĐ, liên quan đến chính sách cạnh tranh của nhà sản xuất điện thoại.

Thị trường viết ứng dụng cho ĐTDĐ do người Việt phát triển được nhiều chuyên gia nhận định rất tiềm năng tại VN. Tuy nhiên, thị trường này đang rất manh mún và tự phát. Hầu hết ứng dụng mà người dùng di động VN sử dụng đều phải mua của thế giới hoặc phát hành không chính thức tại các diễn đàn. Theo ông Hải, phần mềm ứng dụng cho ĐTDĐ từ xưa đã phát triển và được ưa chuộng ở VN song chủ yếu vẫn là những ứng dụng nhạc, hình nền, game.

Ông Hồ Minh Đức, Phó TGĐ Naiscorp cho hay, số lượng ứng dụng do người VN viết cho người VN mới đếm trên đầu ngón tay, chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số người sử dụng và chưa đáp ứng được về mật độ phủ cho thiết bị đầu cuối. Chính vì vậy, thị trường viết ứng dụng cho ĐTDĐ tại VN đang mở ra một cơ hội lớn cho tất cả các đơn vị muốn thử sức.

 Ông Hồ Minh Đức nhận định, các hãng di động chưa quan tâm nhiều đến các nhà sản xuất ứng dụng. Nhưng sau thành công của Apple với App Store cho iPhone, các hãng di động nhận thấy cần quan tâm hơn đến các nhà viết ứng dụng bởi bản thân họ không thể tự sản xuất những ứng dụng phong phú và mang đậm tính bản địa, đáp ứng nhu cầu người dùng.