Cơ hội lội ngược dòng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, thị trường mua bán - sáp nhập DN (M&A) ngày càng trở nên sôi động.

 Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, không chỉ trong năm nay mà cho cả thập kỷ tới
Từ con số 50 triệu USD của năm 2002, cùng với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa của Chính phủ, thị trường M&A đã liên tục tăng mạnh: Năm 2016 đạt 5,8 tỷ USD, năm 2017 khoảng 8 tỷ USD, năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD. Trong năm 2019, giá trị M&A được dự đoán ổn định ở mức 6,7 – 7 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, việc Việt Nam thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định với tăng trưởng GDP tốt. Bên cạnh đó, nếu như trước đây, với nhiều chính sách ưu tiên cho DN ngoại thì hiện nay đã bình đẳng hơn với cả DN trong và ngoài nước. Điều này đã góp phần giúp M&A ngày càng sôi động hơn khi DN trong nước ngày càng có vai trò quan trong hơn hoạt động này. Và những thương vụ M&A lội ngược dòng “Ta” mua “Tây” đã ngày càng phổ biến hơn. Các DN nội đang chủ động hơn trong việc khẳng định vị thế của mình như VinFast mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của General Motors tại Việt Nam; FPT đã ký hợp đồng mua 90% cổ phần của Công ty Công nghệ Intellinet (Mỹ); Rồi các thương vụ mua lại Công ty Đường Khánh Hòa các công ty nguyên liệu và sữa tại New Zealand, Hoa Kỳ đã giúp Vinamilk lọt Top DN có chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ qua. Điều này cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trong nước mà đằng sau đó là nhu cầu sáp nhập lại để lớn mạnh hơn trước sức hấp dẫn lẫn sức ép của làn sóng hội nhập.
Tiềm năng thị trường M&A còn rộng mở. Song thị trường này cũng hết sức khắc nghiệt. Theo đó, là mâu thuẫn của không ít ông chủ DN khi gọi vốn cổ phần, hoặc DN phải hòa vào dòng chảy ấy hoặc chấp nhận bị các đối thủ lớn đè bẹp, đối mặt với rủi ro mất dần thị phần và chấp nhận phải ra đi. Trong quá trình cơ cấu lại DN Nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, việc định giá tài sản khi mua bán - sáp nhập, kiểm toán tài sản cần được chú trọng hơn trong các thương vụ M&A…
Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, không chỉ trong năm nay mà cho cả thập kỷ tới, diễn ra trong nhiều ngành, lĩnh vực. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào kinh tế toàn cầu; Quá trình cổ phần hóa đang diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt các tên tuổi trong ngành ngân hàng, viễn thông, hàng không, dược phẩm, bán lẻ…; Chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức M&A. Đây sẽ là diễn đàn quan trọng được chờ đợi, mang đến những góc nhìn sâu hơn về cơ hội, thách thức, kiến nghị Chính phủ những giải pháp chính sách giúp thị trường tiến lên nấc thang mới về giá trị và chất lượng của các thương vụ, cũng như góp phần tạo ra thị trường M&A minh bạch, tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan.