Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hậu Covid-19, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển vào Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các DN phụ trợ mở rộng sản xuất.

Đơn hàng xếp dài
Tổng Giám đốc CNC Tech Nguyễn Văn Hùng liên tục nhận được điện thoại, email từ các công ty Nhật Bản mong muốn đặt hàng hoặc liên doanh liên kết với CNC Tech trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. “Nếu như trước đây, phải mất từ 6 tháng tới 1 năm hai bên mới có thể đi tới hợp tác, giờ đây chỉ mất từ 1 đến 2 tháng" - ông Hùng nói.

Còn theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh Đỗ Phước Tống, do bị đứt nguồn cung vì dịch Covid-19, đã có DN sản xuất chế tạo máy của châu Âu tại Việt Nam tìm đến Duy Khanh để đặt hàng nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. DN sản xuất này đã đặt 10 mẫu chi tiết mặt hàng các loại và hiện Duy Khanh cũng đã gửi những sản phẩm mẫu làm ra đến khách hàng này xem xét về chất lượng, mẫu mã...
 Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội . Ảnh: Phạm Hùng
Trong khi đó, Công ty CP Sợi Thế Kỷ cho biết doanh thu 2 tháng đầu năm nay của công ty tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái một phần cũng do tăng đơn hàng từ phía các đối tác bị đứt nguồn cung ở Trung Quốc vì dịch Covid-19. Hiện các nhà máy sản xuất đã chạy hết công suất sản xuất, nhưng theo Giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ Nguyễn Phương Chi, công ty đang nhận được nhiều đơn hàng mới của các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Bà Chi cho biết, các DN FDI tại Việt Nam vốn là khách hàng của công ty giờ đây cũng tăng đơn hàng tại nhà máy Sợi Thế Kỷ sau khi tập trung lượng lớn nguồn cung nhập từ Trung Quốc.

Theo Phó chủ tịch điều hành Công ty TTi Việt Nam Nate Easter, hiện DN có nhà máy tại Bình Dương sản xuất dụng cụ điện, phụ kiện, dụng cụ cầm tay, thiết bị điện dùng ngoài trời và tự chăm sóc sàn xe (DIY). Có khoảng 38% nhà cung ứng nội địa tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của TTi Việt Nam.

Sau đại dịch Covid-19, một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu đã tìm kiếm các DN trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện (ngành công nghiệp hỗ trợ) để thay thế. Chính điều này, đang tạo ra thời cơ để các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh để gia nhập thị trường thế giới sau khi hết dịch bệnh.

Không dễ tận dụng

Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI mới, khi hàng loạt đối tác lớn đã và đang có kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Cơ hội này đặt Việt Nam trước vấn đề là làm thế nào để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước, kịp đón cơ hội từ làn sóng thu hút FDI đang diễn ra mạnh mẽ. Hiện nay, để thúc đẩy ngành CNHT phát triển, Chính phủ đã đề ra ba giải pháp đột phá như: Đột phá về thể chế, đột phá về nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ Chính phủ lại chú trọng đẩy mạnh đột phá trong ngành CNHT để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu…

Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME Dương Thị Kim Liên cho biết, Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối giữa các DN trong và ngoài nước, giúp DN tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, bà Dương Thị Kim Liên cũng lo ngại, vẫn còn rất ít DN tham gia vào chuỗi cung ứng do năng lực của các DN nhỏ và vừa của Việt Nam chưa đạt yêu cầu của các DN đầu chuỗi.

Quy mô DN CNHT Việt Nam rất nhỏ, nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài DN có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi khách hàng luôn cần sản lượng lớn hoặc sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh. Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như thế cần có nhiều DN đảm nhận các khâu. Hơn nữa, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt yêu cầu về chất lượng và chủng loại sản phẩm, DN Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá do chi phí cao.

Từ góc độ DN FDI, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Canon Việt Nam Đào Thị Huyền cho biết, Canon luôn tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam. Hiện, Canon có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa và luôn đăng tải trên website của DN. "Hiện nay các nhà cung cấp ở Việt Nam mới chỉ cung cấp nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn… trong khi một máy in có gần 400 linh kiện và nhiều chủng loại khác nhau. Khi chúng tôi tìm kiếm thêm mới vẫn chỉ là nhà cung cấp linh kiện nhựa. Do đó, còn nhiều "sân" cho DN Việt”.

Bên cạnh sự hỗ trợ về mặt chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước, các DN CNHT cũng cần nâng cao tính tự chủ, quyết liệt của mình. Nói như đại diện Samsung Việt Nam thì, trong khi thay đổi công nghệ, dây chuyền với DN Việt Nam là điều vô cùng khó khăn, trừ khi có rất nhiều vốn, Samsung khuyến khích và khuyên DN nên nỗ lực trong các mảng khác, đặc biệt là nghiên cứu và phát triển (R&D). "Chi phí R&D của DN Việt Nam rất thấp, trung bình chỉ khoảng 0,2 - 0,3% doanh thu. Ví dụ, cùng 1 con ốc, nay DN bán 1 đồng, sang năm bán 0,8 đồng thôi hoặc chất lượng tốt hơn nhưng đồng giá. Không có R&D thì ko bao giờ làm được điều đó" - vị này phân tích.

Tập trung phát triển công nghiệp hạ nguồn

Thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam hiện có gần 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Liên quan tới phát triển CNHT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trong tháng 8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Điểm mấu chốt được báo cáo của Chính phủ nhắc tới là cần tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn. Đầu tư mạnh tay cho công nghiệp hạ nguồn, đặc biệt phải tạo ra một số tập đoàn tầm cỡ khu vực, vai trò dẫn dắt của các DN lớn nhằm tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy mối liên kết với các DN nhỏ và vừa.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) Võ Trung Chính, hiện các nhà máy công nghiệp phụ trợ của THACO đều cung cấp cho nhà máy sản xuất, nhưng THACO vẫn có nhu cầu tìm thêm các đối tác, DN cung ứng khác. Nên THACO đang thực hiện cả hai vai trò là bên mua và bên bán. Không chỉ Trường Hải mà cần thêm nhiều các DN nội địa được ví như đầu tàu mang tính dẫn dắt. Các DN sẽ phát triển chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ theo xu hướng 4.0 nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp phụ trợ Việt theo hướng thâm sâu.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho hay, CNHT là ngành khó, tập trung cả vốn, công nghệ, lao động do đó mong muốn các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực, phải thiết thực và mạnh hơn giúp DN tiếp cận đem lại hiệu quả. “Quanh Bắc Ninh và Bắc Giang, chúng tôi liên tục thấy các nhà máy sản xuất CNHT của Hàn Quốc, Trung Quốc mọc lên. Nếu DN Việt không nhanh chân miếng bánh thị phần càng thuộc về tay các DN ngoại” - bà Hương lo ngại.

"Các nhà sản xuất trên toàn cầu đang tìm mọi cách để thoát cảnh thiếu nguyên liệu khi dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là từ Trung Quốc. Vậy ngành CNHT trong nước cần xem đây là một cơ hội (dĩ nhiên đi kèm với những thách thức). Nếu không phát triển được CNHT và vươn dần lên các phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng thì dù chúng ta có thu hút được thêm hàng chục, hàng trăm tỷ USD FDI trong thời gian tới, nền kinh tế cũng sẽ không thể thoát được kiếp gia công, dựa vào lao động rẻ và sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình." - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc