Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội lớn để chuyển đổi phương tiện xanh

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hà Nội đang đứng trước cơ hội rất lớn để xanh hóa phương tiện giao thông, đặc biệt là xe cá nhân.

Điều cần thiết lúc này là TP xây dựng một đề án tổng thể, vạch ra lộ trình rõ ràng để thực hiện cuộc “cách mạng xanh” giao thông.

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương.
Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương.

Giao thông xanh, phương tiện xanh có vai trò gì trong xu thế phát triển hiện đại của các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng thưa bà?

- Hà Nội là một đô thị lớn, đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Cơ hội và thành tựu của TP là rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Một trong những vấn đề bức thiết nhất là giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) và ô nhiễm môi trường.

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, bởi vậy giao thông xanh, phương tiện xanh có vai trò rất quan trọng, là trợ lực cho một nền kinh tế khỏe mạnh, một đô thị văn minh, hiện đại. "Cách mạng xanh" giao thông cũng là xu thế chung của toàn thế giới.

Theo bà đánh giá, Hà Nội đã đạt được những bước tiến nào trong cuộc "cách mạng xanh" giao thông?

- Những năm qua Hà Nội đã nỗ lực rất lớn, đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển giao thông xanh. Trong đó có hai thành tựu chính mà tôi thấy rõ nét và nổi bật nhất.

Thứ nhất là TP đã xây dựng được 2 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT), bước đầu xây dựng nền tảng cho một hệ thống VTHKCC thực sự hiện đại, văn minh và xanh. Ngay khi ĐSĐT được đưa vào hoạt động, nhận thức của người dân cũng như cấp quản lý nhà nước về giao thông xanh đã thay đổi mạnh mẽ, tích cực. Từ sự thay đổi đó, chiến lược, sách lược phát triển đô thị cũng đã có những bước ngoạt vô cùng quan trọng, mang đến hiệu quả lâu dài.

Thứ hai là VTHKCC với ĐSĐT làm chủ đạo đã tạo nên những thay đổi cơ bản trong tập quán đi lại của người dân. Sự lệ thuộc vào phương tiện cá nhân đã bước đầu biến đổi thành niềm tin vào VTHKCC. Đó là cơ sở quan trọng để TP tiếp tục kế hoạch giảm thiểu phương tiện cá nhân, nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. Đây là những điều kiện vô cùng quan trọng, tạo đà cho Hà Nội phát triển đô thị bền vững.

Vậy Hà Nội nên tiếp tục cuộc "cách mạng xanh" giao thông như thế nào?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, với những điều kiện trước mắt, Hà Nội đã đang làm rất tốt việc chuyển đổi sang giao thông xanh. "Cách mạng xanh" giao thông là một mục tiêu rất lớn, trong đó chủ đạo là chuyển đổi phương tiện xanh lại cần phải có lộ trình dài hơi và sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ rằng, tàu điện, xe buýt điện, xe đạp điện công cộng hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số phương tiện giao thông của TP. Không chỉ xây dựng mạng lưới VTHKCC thân thiện với môi trường, mà TP còn cần xanh hóa cả phương tiện cá nhân, phương tiện kinh doanh vận tải…; cùng với đó là nỗ lực giảm thiểu xe cá nhân.

Hiện Hà Nội có hàng chục nghi xe kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, đại đa số trong đó vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường. Với tần suất hoạt động cao, đây là nhóm tạo nên nguy cơ rõ rệt nhất với Hà Nội. Vì vậy, tôi cho rằng, sau VTHKCC, xe ô tô kinh doanh vận tải phải là nhóm ưu tiên chuyển đổi sang phương tiện xanh. Song song với việc xanh hóa phương tiện VTHKCC và xe kinh doanh vận tải, TP còn cần phải thay thế dần xe cá nhân sử dụng xăng dầu bằng xe điện.

Hệ thống xe buýt điện không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn giảm ô nhiễm cho TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hệ thống xe buýt điện không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn giảm ô nhiễm cho TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đó là những mục tiêu rất lớn và khó khăn phải không thưa bà?

- Đúng vậy, xanh hóa gần chục triệu phương tiện giao thông, thay đổi tập quán và thị hiếu của người dân là vô cùng khó khăn. Có thể nói lộ trình cách mạng xanh giao thông của Hà Nội đầy rẫy thách thức. Nhưng tôi cho rằng, thời điểm hiện tại lại đang là cơ hội rất lớn để Thủ đô thực hiện được mục tiêu đó.

Thách thức là chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như các biện pháp khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh. Mặt khác hạ tầng kỹ thuật cho xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch còn quá thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo nên tâm lý e ngại chung.

Nhưng ngược lại, Hà Nội có cơ hội rất rõ rệt, bởi điều quan trọng nhất là ý chí chính trị của các cấp quản lý nhà nước từ Chính phủ đến địa phương, mong muốn của người dân đều đã hướng đến cuộc cách mạng xanh giao thông. Tàu điện, xe buýt điện, ô tô, xe máy điện… đều đang được đón nhận nồng nhiệt, được tạo điều kiện để phát triển, phổ biến. Sự thay đổi trong tư duy và quyết tâm chính trị đó là đòn bẩy quan trọng nhất để cuộc cách mạng xanh giao thông bứt phá.

Phải có những giải pháp gì để xanh hóa phương tiện giao thông của Hà Nội?

- Tôi cho rằng cần có 4 nhóm giải pháp chính để phát triển giao thông xanh, phương tiện xanh. Thứ nhất và quan trọng hơn tất cả là nhóm giải pháp về chính sách. Tựu trung lại thì Chính phủ và chính quyền TP cần có các chính sách nhằm “siết” xe cơ giới sử dụng xăng, dầu, đồng thời “đẩy” xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch. Nhà nước không cấm, nhưng đưa ra những yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn đối với xe xăng, dầu. Trong khi đó thực hiện những chính sách khuyến khích phổ biến phương tiện xanh, hạn chế xe cá nhân.

Thứ hai là nhóm giải pháp về hạ tầng kỹ thuật. Cần có quy hoạch cụ thể mạng lưới điện phù hợp, thích ứng với mục tiêu phổ biến xe điện. Bên cạnh đó là mở rộng các trạm sạc, tốt nhất là theo tỷ lệ 1:1 với cây xăng, dầu. Cứ nơi nào có một điểm bán xăng, dầu thì tối thiểu có một trạm sạc điện cho ô tô, xe máy. Ngoài ra, các nhà sản xuất xe cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ để khâu nạp nhiên liệu cho xe điện đơn giản, dễ dàng hơn. Làm sao để mỗi cá nhân, gia đình đều có thể tự sạc xe cho mình, hoặc dễ dàng tìm kiếm trạm sạc như tìm kiếm cây xăng. Đó là điều kiện rất quan trọng để xe điện lan tỏa trong đời sống xã hội.

Thứ ba là giải pháp tài chính. TP có thể hỗ trợ bằng tiền, hoặc giảm thuế phí cho người dân khi chuyển đổi xe cá nhân từ sử dụng xăng, dầu sang sử dụng điện. Hoặc ưu đãi về giá gửi xe, vé cầu đường cho xe điện hơn xe xăng, dầu…

Thứ tư là phải tuyên truyền một cách có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong hạn chế sử dụng xe cá nhân, chuyển đổi sang các loại hình phương tiện xanh để giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường.

Trong đó ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền để người dân sử dụng phương tiện VTHKCC làm phương thức di chuyển chính. Với những khu vực còn cần đến xe cá nhân thì người dân trước hết nên lựa chọn xe nhiên liệu sạch. Tuyên truyền là công cụ rất quan trọng để thay đổi nhận thức và tranh thủ sự ủng hộ của người dân, từ đó thúc đẩy một cách có hiệu quả cuộc cách mạng xanh giao thông.

Bà dự đoán như thế nào về tiến trình xanh hóa phương tiện giao thông của Hà Nội trong tương lai?

- Tôi kỳ vọng rất cao, nhưng cho rằng không thể mong chờ cuộc "cách mạng xanh" giao thông của Hà Nội sớm hoàn thành các mục tiêu lớn. Cần nhớ rằng TP đang còn rất nhiều khó khăn, cần nguồn lực cho rất nhiều lĩnh vực xã hội chứ không chỉ giao thông. Hy vọng trong khoảng 10 - 20 năm nữa Thủ đô sẽ được phủ xanh bởi hệ thống VTHKCC và một lượng nhỏ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu sạch.

Xin trân trọng cảm ơn bà!