Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội nâng cao chất lượng nền giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tài chính vẫn giữ vai trò chủ chốt trong giáo dục. Vì vậy, với xu thế Chính phủ không còn trả toàn bộ chi phí cho giáo dục, việc thúc đẩy tư nhân hóa và hợp tác công - tư (Public Private Partnership, viết tắt: PPP) là điều kiện cần để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mang lại chất lượng và hiệu quả hơn

Tại Diễn đàn mở “Tư nhân hóa và hợp tác công - tư trong giáo dục” do Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VCEFA) tổ chức mới đây, ông Rene Raya - chuyên gia phân tích chính sách của ASPBAE nhận định, xu hướng tư nhân hóa giáo dục trên thế giới trở nên mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chính phủ một số nước châu Á - Thái Bình Dương đã áp dụng PPP và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân như một phần của kế hoạch ngành giáo dục.
Một giờ học tại trường CNTT Quốc tế Bachkhoa - Aptech.  Ảnh: Duy Anh
Một giờ học tại trường CNTT Quốc tế Bachkhoa - Aptech. Ảnh: Duy Anh
Ấn Độ xem PPP có "vai trò sống còn" để tăng cường đầu tư và vận hành hiệu quả lĩnh vực giáo dục ngoài công lập với mô hình "Trường tư chi phí thấp". Pakistan coi hợp tác công tư là "mỏ neo" cho kế hoạch đổi mới giáo dục bằng chương trình "Phiếu học phí" từ Quỹ giáo dục Punjab. Philippines xem PPP như một chiến lược nền tảng cho kế hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2016 với mô hình hợp đồng dịch vụ giáo dục… Cùng với đó là chuỗi trường tập đoàn mới nổi lên gần đây. Ví như Ngân hàng ADB đã hỗ trợ các dự án PPP giáo dục ở các nước. Tại Philippines, Trung tâm giáo dục tư nhân với mức học phí phù hợp (APEC) có giá 1 USD/ngày. Đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa Pearson và Tập đoàn Ayala lâu đời và lớn nhất tại Philippines. Hiện Ayala đã có mặt tại Ấn Độ, Nepan trong việc đầu tư trường học và quản lý các cơ sở giáo dục tinh hoa. "PPP mang lại chất lượng và hiệu quả học tập tốt hơn, có sự lựa chọn và cạnh tranh, người nghèo có khả năng tiếp cận và chi trả" - ông Rene Raya khẳng định.
Tại Việt Nam, xã hội hóa giáo dục (XHHGD) chính là biểu hiện cụ thể của PPP. Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, PPP trong giáo dục Việt Nam mới ở mức độ vừa phải, đó là hợp đồng với các trường tư trong cung ứng giáo dục. Nghị quyết 40/NQ-CP về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tư tưởng PPP trong giáo dục có bước tiến rất mạnh, nhưng chưa có hợp đồng với khu vực tư nhân để quản lý điều hành trường công.

Phải giám sát chặt

Nhiều chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đồng tình với hiệu quả từ mô hình tư nhân hóa và PPP trong giáo dục ở một số nước. Tuy nhiên, đây chưa phải là những mô hình hoàn chỉnh, bởi bên cạnh những mặt được thì vẫn có tiêu cực và hạn chế về chất lượng đào tạo, chương trình, giáo viên. Bởi vậy, PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người đề nghị, Hiệp hội VCEFA kiến nghị Chính phủ nên đi theo con đường tư nhân hóa - PPP giáo dục mà các nước trên thế giới đang thực hiện. Tất nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát trên thực tế những loại hình giáo dục đang có ở Việt Nam để tìm ra mô hình tích cực, bình đẳng, chất lượng hơn, đảm bảo cho nhiều người nghèo và người khuyết tật được hưởng lợi. Trước khi triển khai đại trà, nên có thí điểm để khắc phục tiêu cực và hạn chế nếu có. Làm được mô hình này chính là khuyến khích xã hội học tập và học tập suốt đời.

Đi sâu vào từng bậc học, PGS Trần Xuân Nhĩ - Chủ tịch Hiệp hội VCEFA cho rằng, hiện nay, tại nhiều nước như Singapore, Malaysia… tỷ lệ trường ĐH công rất ít còn trường tư chiếm số đông. Nhà nước cũng nên có chủ trương đánh giá một số trường ĐH ngoài công lập có cơ sở vật chất đảm bảo (ĐH FPT, ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) và làm tốt hoạt động đào tạo để giúp các trường phát triển hơn. Khi số trường ĐH ngoài công lập làm tốt công tác đào tạo, Nhà nước sẽ giảm được nhiều ngân sách đầu tư và lại có được nguồn nhân lực đạt chất lượng.

Tương tự, với bậc tiểu học và THCS khi phổ cập giáo dục, Nhà nước không nên lo hết học phí. Khi khu vực tư nhân có thể xây dựng được trường tiểu học, THCS chất lượng cao, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế muốn cho con học ở những trường đó. Khi đó, số tiền Nhà nước đầu tư cho học sinh tiểu học và THCS còn dư sẽ được tập trung cho các trường ở vùng khó khăn. Với bậc mầm non, đến thời điểm này, Nhà nước đã xây dựng được nhiều trường khang trang, do vậy nên giao cho tư nhân quản lý, Nhà nước chỉ khống chế giữ về mặt đảm bảo chất lượng, có kiểm tra, giám sát. Số ngân sách đầu tư cho mầm non cũng nên tập trung vào vùng khó khăn để đảm bảo sự công bằng cho toàn dân. Có như thế, hoạt động giáo dục của nước nhà sẽ ngày càng phát triển.