Có lực lượng DN CNS đông đảo (Số DN công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 DN), Việt Nam đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số.
Đây là tiền đề vững chắc để hình thành một ngành công nghiệp không khói, có hàm lượng chất xám cao và tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, công nghiệp công nghệ số (CNS), hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện đã có hơn 50 nền tảng CNS được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Với khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP hơn 2 tỷ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, định hướng của ngành TT&TT trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình “Make in Viet Nam”, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các DN Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm.
Năm 2019, chiến lược về phát triển DN công nghệ Việt Nam được công bố. Sau 4 năm kể từ khi thông điệp “Make in Viet Nam” được chính thức đưa ra, ngành công nghiệp CNS tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021 và tăng gần 36 tỷ USD so với năm 2019. Trong đó, tỷ lệ giá trị Việt Nam/Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Cùng với đó, xuất khẩu của ngành công nghệ số Việt Nam năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD.
Báo cáo đo lường về hoạt động của người dân trên các nền tảng số “Make in Viet Nam” vào tháng 9/2022 cũng cho thấy, Việt Nam có tổng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động là 265 triệu lượt, đứng thứ 10 toàn cầu. Còn trong top 50 ứng dụng có số lượng người dùng nhiều, những ứng dụng Việt có thứ hạng cao bao gồm Zalo (vị trí số 2), Zing Mp3 (số 17), Báo Mới (đứng thứ 26)...
Theo thống kê, nền tảng “Make in Viet Nam”, Zalo tiếp tục là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất Việt Nam năm 2022 (với tỷ lệ sử dụng là 87%, theo sau là Facebook với 72%, Messenger là 58% và Instagram chiếm 15%). Kết thúc năm 2022, Zalo công bố có 74 triệu người dùng thường xuyên (chiếm tới hơn 74% dân số nước ta).
Hay trong lĩnh vực tài chính số, Momo đang chiếm 50% thị phần ví điện tử ở Việt Nam (với khoảng hơn 31 triệu người dùng). Trong đó, những công đoạn, sản phẩm công nghệ quan trọng của MoMo đều hoàn toàn do người Việt thực hiện.
Không chỉ các DN CNS, các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel, CMC... cũng đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm “Make in Viet Nam” để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, giúp chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng điểm.
Cụ thể, Tập đoàn Viettel đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển hạ tầng mạng 4G và 5G, nhằm tăng sự chủ động, giảm thiểu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, cũng như có thể tinh chỉnh sản phẩm nhanh hơn theo yêu cầu của khách hàng.
Hay với FPT các sản phẩm, giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ lõi gồm AI, blockchain, cloud... mang lại 1.150 tỷ đồng doanh thu, trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của công ty trong dài hạn.
Hiện thị trường thế giới 1.803 tỷ USD, các DN lớn của thế giới chiếm khoảng 30% thị trường này với 531 tỷ USD, còn lại 70% thị trường là phần mềm và dịch vụ CNTT với giá trị khoảng 1.272 tỷ USD. Có thể nói, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như trong tương lai.
DN công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Đây là lý do để DN công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam vươn tầm thế giới.
Thế giới đã ghi nhận đóng góp của Viettel trong vệc phát triển viễn thông nông thôn, xóa bỏ khoảng cách số ở nhiều nước, từ châu Á, châu Phi đến Mỹ Latin. VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ. FPT, CMC đi làm CNTT và chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ. Những thành công kể trên là tiền đề cho sự phát triển, khẳng định cơ hội cho CNS Việt Nam vươn tầm thế giới.