Báo cáo tại tọa đàm, TS Natalia Ivanova – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga cho biết, nhược thị là tình trạng gặp rất nhiều ở Việt Nam đặc biệt là ở những trẻ bị loạn thị.
Ở châu Á, tỷ lệ trẻ bị loạn thị cao khoảng 70-80%. Nhược thị nguy hiểm ở chỗ nếu không phát hiện sớm khi còn nhỏ, lớn lên, trẻ sẽ bị giảm thị lực vĩnh viễn và không điều trị được.
Nguyên nhân có thể do môi trường quang học bị ảnh hưởng như đục thủy tinh thể sớm, có sẹo giác mạc, sụp mí bẩm sinh; hoặc do kính chưa ổn thì cần điều chỉnh lại kính. Bệnh cũng có thể bắt nguồn từ việc đến điều trị muộn.
Trẻ bị nhược thị cần phải điều trị càng sớm càng tốt, độ tuổi vàng từ 7 - 12 tuổi, nếu không sẽ có khả năng mất thị lực và khó hồi phục thị lực. Tuy nhiên, bệnh lý này còn khá xa lạ, nên phụ huynh Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để chữa trị kịp thời cho trẻ.
Hiện Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga là cơ sở đi đầu trong điều trị nhược thị tại Việt Nam. Tại đây, trẻ sẽ được bác sĩ Liên Bang Nga trực tiếp thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị cho từng trẻ. Sau đó, trẻ được tham gia khóa tập nhược thị với hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ cao, giúp cải thiện thị lực sau 10 buổi tập.
TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, với sự phát triển của khoa học công nghệ, phục hồi chức năng ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong việc phòng ngừa khuyết tật, điều trị, phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với phục hồi chức năng mắt tại Việt Nam, theo TS Vương Ánh Dương, hiện nay còn chưa phát triển. Trong khi phục hồi chức năng mắt giúp điều trị với trường hợp nhược thị, lác; giúp duy trì ổn định thị lực đối với trường hợp cận thị, rối loạn điều tiết, phòng ngừa giảm thị lực và mù loà.
Theo đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh là một dịp quan trọng để chúng ta được biết thêm, học hỏi về thành tựu khoa học, công nghệ phục hồi chức năng Liên bang Nga, đặc biệt là lĩnh vực phục hồi chức năng mắt.
“So với Việt Nam, Liên bang Nga đi trước khá nhiều ở công tác phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng ở Nga bắt đầu từ năm 1946, Việt Nam bắt đầu từ năm 1980.
Do vậy, nước Nga cũng đã đi trước chúng ta một thời gian. Bên cạnh đó, lĩnh vực phục hồi chức năng về mắt ở Việt Nam chưa phát triển và chúng ta đang cố gắng tiếp cận để phát triển dần lĩnh vực này” – TS Vương Ánh Dương cho biết.
Tọa đàm đã bàn thảo về những bước tiến mới, hợp tác phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng nói chung, phục hồi chức năng mắt nói riêng giữa 2 Hội phục hồi chức năng Liên bang Nga và Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phục hồi sức khỏe cho người dân, đặc biệt cho những trẻ bị nhược thị có thể chữa được.