PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê – Trưởng ngành Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học (ĐH) Thủy lợi nhận định, nhu cầu xã hội đối với kỹ sư Hóa học ở hiện tại và tương lai là rất lớn. Kỹ sư Kỹ thuật Hóa học sau khi ra trường dễ dàng tìm được việc làm phù hợp với khả năng, trình độ của mình ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Các bạn có thể làm việc tại nhà máy, công ty sản xuất hóa chất, hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hóa dược, lọc hóa dầu... với vai trò giám sát sản xuất, quản lý phân xưởng, kiểm tra chất lượng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm...
Ngoài ra, kỹ sư ngành Kỹ thuật Hóa học có cơ hội làm kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật trong công ty chuyên cung cấp phụ gia, hóa chất, hương liệu... hay cũng có thể làm việc trong các tập đoàn lớn và các công ty đa quốc gia; giảng viên, nghiên cứu, chuyên viên trong các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước...
Để hỗ trợ người học làm tốt công việc của mình, ngành Kỹ thuật Hóa học của trường ĐH Thủy lợi lấy phương châm “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và gắn với thực tiễn sản xuất” làm kim chỉ nam. Chương trình đào tạo được cập nhật, bám sát thực tiễn và có sự hợp tác sâu rộng với DN. Cùng với được trang bị kiến thức, trong quá trình học 4,5 năm, sinh viên được đi thực tế 2 đợt với tổng thời gian 3 tháng tại các DN, cơ sở sản xuất để tìm hiểu các quy trình sản xuất và nắm bắt những công việc thực tế của người kỹ sư phải làm sau này.Cũng như các ngành khác trong trường, sinh viên Kỹ thuật Hóa học có nhiều cơ hội nhận được học bổng Lê Văn Kiểm, học bổng khuyến khích học tập của trường và của các DN, tổ chức, cá nhân. Những sinh viên đạt kết quả học tập tốt sẽ nhận học bổng trao đổi sinh viên tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Autralia... Khi tốt nghiệp, nếu sinh viên đạt trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên có cơ hội nhận học bổng thạc sĩ và tiến sĩ ở các nước phát triển.