Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang diễn biến khó lường, cùng với việc tập trung phòng chống dịch, vấn đề đặt ra lúc này là cần khẩn trương tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi một cách hợp lý, mạnh mẽ để phát triển bền vững.

Chăn nuôi gà Mía tại Sơn Tây. Ảnh: Phương Nga
Giảm đàn lợn, tăng đàn gia súc, gia cầm
Thời điểm này, DTLCP đã lan rộng ra cả nước, tổng số lợn tiêu hủy là trên 4,4 triệu con. Tổng đàn lợn giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ nay tới cuối năm tăng cao, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn và đội giá. Hiện, giá lợn hơi trên cả nước đang duy trì ở mức khá cao. Cụ thể, tại miền Bắc đang dao động trong khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg, miền Trung từ 39.000 – 43.000 đồng/kg, miền Nam từ 38.000 – 42.000 đồng/kg. Mức giá này được dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Năm 2019, ngành chăn nuôi phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức hơn 4%; tổng sản lượng thịt các loại đạt 5,59 triệu tấn; sữa khoảng 1,05 triệu tấn; trứng các loại khoảng hơn 13 tỷ quả; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 800 triệu USD.

Mặc dù giá lợn lên cao nhưng theo khảo sát tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội như Ứng Hòa, Quốc Oai, Mỹ Đức… người dân vẫn ngại tái đàn, thay vào đó là tìm hướng chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác như gia cầm, gia súc, thỏ, nhím… Hộ ông Hà Văn Cường, ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) chuyên cung cấp gà giống cho biết: “Khoảng hơn 2 tháng nay, lượng khách đặt hàng tăng mạnh. Cùng với đó, giá gà giống cũng được đẩy lên cao; nếu như hồi đầu năm gà con 1 ngày tuổi chỉ 2.500 – 3.000 đồng/con thì nay đã tăng lên thành 8.500 đồng/con”.

Trại lợn của anh Đồng Văn Đạt, xã Hương Sơn (Mỹ Đức) bị tiêu hủy cách đây 2 tháng nhưng tái đàn là điều mà anh không dám nghĩ tới vào thời điểm này. Thay vào đó, anh đã chuyển đổi sang nuôi nhím và thỏ. Trong khi đó, gia đình anh Cấn Văn Bộ, xã Đông Yên (Quốc Oai) dù chưa bị DTLCP nhưng đã lên kế hoạch chuyển sang chăn gia cầm sau khi xuất chuồng lứa lợn này.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ảnh hưởng của DTLCP khiến tổng đàn lợn của TP đã giảm 28%. Để ổn định chăn nuôi, TP đã khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi vật nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi phải đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh. Cùng với đó, xét trên cân đối cung cầu thực phẩm, tránh nuôi ồ ạt dẫn đến nguồn cung thừa.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, hiện nay DTLCP vẫn diễn biến khó lường, nếu tái đàn lợn sẽ gặp nhiều rủi ro. Việc đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, gia cầm trong thời gian này là rất hợp lý. Đây là giải pháp tối ưu để bổ sung lượng thịt lợn thiếu hụt do DTLCP. Trên thực tế, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều kịch bản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt như giải pháp tăng cấp đông dự trữ thịt lợn. Tuy nhiên, phương án này không khả thi bởi chi phí rất lớn, nếu đầu tư sẽ đội giá thành sản phẩm lên cao. Ngoài ra, giải pháp tăng nhập khẩu thịt cũng đã được tính tới nhưng nếu nhập thịt ồ ạt sẽ khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp khó.

Mặt khác, hiện nay, trong cơ cấu vật nuôi ở nước ta, tỷ trọng đàn lợn vẫn chiếm quá lớn, gây mất cân đối, trong khi đại gia súc mới chỉ chiếm khoảng 7%. Theo đó, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ tăng chăn nuôi gia cầm lên 7% (trước là 6%), bò thịt tăng lên 5% (trước là 4%), trứng tăng lên 10%.

Theo ông Dương, đây chính là cơ hội để ngành chăn nuôi tái cơ cấu, thực hiện toàn diện ở cả vật nuôi, vùng nuôi, phương thức chăn nuôi và hệ thống giết mổ, chế biến. Trong đó, phải tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, lấy DN là hạt nhân liên kết với các trang trại và các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp. Sự kết hợp này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng các khâu trong chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu. Từ đó tăng giá trị sản phẩm, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi.