Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

Cơ hội thanh lọc doanh nghiệp yếu kém, bảo toàn vốn Nhà nước

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DN Nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025” được coi là “liều thuốc” mạnh nhằm thanh lọc DN yếu kém, quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước tại DN.

Tuy nhiên, “liều thuốc” này chỉ phát huy tác dụng khi các bộ, ngành, địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty bắt tay vào thực hiện quyết liệt những giải pháp phù hợp, cụ thể ngay từ bây giờ.

Trụ sở chính của Viettel.  
Trụ sở chính của Viettel.  

Hạn chế về vai trò dẫn dắt

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tổng tài sản của DNNN hiện là 4 triệu tỷ đồng, mỗi DN có quy mô tài sản bình quân khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần DN có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần DN tư nhân trong nước. Khối này tạo ra tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân là 10,46%, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân là 4,87%; đóng góp 28% thuế và các khoản nộp ngân sách, chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, mặc dù tiềm năng lớn nhưng DNNN vẫn chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tạo động lực với nền kinh tế; chưa có các dự án đầu tư quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN Việt Nam... Trong khi đó, việc đổi mới quản trị còn chậm, cơ chế đãi ngộ, xử lý trách nhiệm vẫn theo quy định như cơ quan hành chính nên không tạo được động lực khuyến khích cán bộ dám chủ động, đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư mới không được chú trọng, thúc đẩy trong thời gian qua nên có rất ít công trình, dự án quy mô lớn được khởi công.

"Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế, khi tỷ trọng đóng góp hiện nay là 29%" - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ lo ngại.

Đáng chú ý, việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức, mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao. Ngoài ra, còn thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển DN, nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra thị trường quốc tế…

Nhiều cái khó “bó chân” doanh nghiệp

Thực tế, theo phản ánh của nhiều DN, hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc “bó chân” họ. Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí, hiện, quy định trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư còn phức tạp, quá trình thực hiện phải tham chiếu quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… kéo dài quá trình chuẩn bị đầu tư, dễ phát sinh các sai sót. Quá trình triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư dự án còn chậm, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Công tác GPMB chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án…

Đề cập đến một số khó khăn trong đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc các DN tăng cường đầu tư ra nước ngoài, trong đó có các khoản đầu tư mạo hiểm, hợp tác cùng các quỹ đầu tư là cần thiết. Kênh đầu tư này mang lại cho các DNNN lợi nhuận lớn, tuy nhiên rủi ro cũng rất cao. Vì vậy, Chính phủ cần có Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ DNNN.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, hạn chế hiện tại là các quy định liên quan quản trị DN, quản lý vốn, tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, phù hợp theo thị trường. Trong khi quy định chưa thực sự phân cấp, trao quyền tự chủ, nên các DNNN không được làm hoặc không dám làm những việc đáng ra phải triển khai như một DN bình thường. Việc chậm trễ ra quyết định đã làm mất đi cơ hội, giảm đi hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, quy định tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, công tác quản lý chưa rõ ràng cũng đang là rào cản phát triển đối với khối DNNN…

Cấp thiết “cởi trói”, khơi thông nguồn lực

Trong bối cảnh Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực xây dựng các giải pháp thúc đẩy hoạt động của DN Việt Nam, cùng với các chính sách hỗ trợ DN tư nhân, DNNN đã được ban hành đồng bộ và có hiệu quả, vấn đề quan trọng trong thời gian tới là cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” cho DNNN. Từ đó, phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế.

“Cần tăng đầu tư, đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt và cùng với khu vực kinh tế tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đồng thời, xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước như: Năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…

Và một yếu tố vô cùng quan trọng là phải thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư Nhà nước tại DN; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản Nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án, hoạt động cụ thể. Cùng đó, nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu, Quốc hội, HĐND các cấp.

Song song đó, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, nhất là đối với quản lý cấp cao của DN. Đặc biệt là đổi mới công tác quản lý cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét cả các tổng giám đốc nước ngoài thí điểm tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

 

Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại DN theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại DN.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội

 

 

Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ khẩn trương xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của DN. Việc sớm ra đời Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của DNNN và triển khai Đề án là cơ sở rất quan trọng để đánh giá đúng thực trạng “sức khỏe” của từng DNNN đang như thế nào.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng