Cơ hội tiếp cận công nghệ xây dựng ngầm của Nhật Bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại triển lãm quốc tế Vietconstech 2014 diễn ra từ ngày 10 - 13/12 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), giới thiệu các công nghệ mới là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Đáng chú ý, tại triển lãm lần này, Tập đoàn Shimizu của Nhật Bản sẽ giới thiệu công nghệ xây dựng ngầm. Đây là công nghệ còn khá mới mẻ với Việt Nam và đang rất được quan tâm bởi phát triển, khai thác phần ngầm là một hướng đi hiệu quả của các đô thị, TP lớn.

Nổi danh vì công trình có độ phức tạp cao

Shimizu là một trong 4 tập đoàn xây dựng lớn nhất của Nhật Bản, nổi tiếng thế giới với những công trình như tòa thị chính Tokyo, nhà thi đấu thể thao quốc gia, đường hầm qua vịnh Tokyo, cầu treo qua vịnh Tokyo… Tại Việt Nam, Shimizu cũng nổi danh với những công trình có độ phức tạp cao và áp dụng những công nghệ xây dựng rất đặc biệt.

Hàng năm, Shimizu cho ra đời hàng loạt dự án xây dựng và thiết kế khác nhau thể hiện trình độ vượt bậc về KHCN và thiết kế công trình của Nhật Bản như: Hệ thống tàu điện ngầm Singapore, đường sắt cao tốc tại Đài Loan (Trung Quốc), cầu nối giữa Malaysia - Singapore, sân bay Singapore Changi…

 
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) được nhà thầu liên doanh Shimizu - Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) được nhà thầu liên doanh Shimizu - Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công
Ông Yoshitaka Murata - Tổng Giám đốc Bộ phận Phát triển kinh doanh cho biết, Shimizu là một trong những tập đoàn xây dựng đầu tiên của Nhật Bản có mặt tại Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Tập đoàn đã đảm nhận nhiều dự án xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng đặc biệt. Điển hình phải kể đến dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) nằm trên trục Quốc lộ 18. Cầu Bãi Cháy được thiết kế có chiều dài 903m với 5 nhịp cầu, nhịp chính dài 435m là kỷ lục thế giới của cầu dây văng một mặt phẳng dây (kết cấu các cầu bình thường là 2 mặt phẳng dây), dầm hộp bê tông, bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu Bính (Hải Phòng) cũng là một trong những dự án đặc biệt có sự tham gia của Shimizu trong liên danh với các nhà thầu IHI và Sumitomo Mitsui. Mới nhất, tại Dự án Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, Shimizu đã trúng thầu tuyến số 1 từ Bến Thành - Suối Tiên (gói thầu 1B). Đây là đoạn đường ngầm được đánh giá là khó thi công nhất trong cả dự án. Để thực hiện yêu cầu, Shimizu đã áp dụng công nghệ khiên đào tự động lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam thi công không cần mặt bằng và đặc biệt không ảnh hưởng đến kết cấu bên trên cũng như xung quanh đường hầm.

Chia sẻ các công nghệ với Việt Nam

Nhận thức rõ sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều tập đoàn xây dựng trong và ngoài nước, Shimizu luôn tìm cách đổi mới phát triển KHCN và thiết kế công trình để đáp ứng được nhu cầu phát triển không ngừng. Để thực hiện mục tiêu này, Shimizu là tập đoàn xây dựng đầu tiên cho ra đời Viện Nghiên cứu Công nghệ (năm 1944) để phục vụ cho các công trình xây dựng. Có thể so sánh viện nghiên cứu công nghệ của Shimizu tương đương với một trường đại học với hơn 120 tiến sĩ đầu ngành, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhiều loại công trình phức tạp nhất thế giới.

Ngay tại Tokyo, Shimizu đã tích hợp nhiều công nghệ do chính viện nghiên cứu của Tập đoàn phát triển để xây dựng trụ sở mới. Công trình được mệnh danh là một trong những tòa nhà tiết kiệm năng lượng nhất thế giới (tiết kiệm trên 60% năng lượng so với các tòa nhà bình thường).

Mới đây nhất, Shimizu đã gây sự chú ý lớn khi lên kế hoạch triển khai xây dựng một TP dưới đáy biển mang tên "Ocean Spiral" với dân số lên tới 5.000 người và dự kiến người dân Nhật Bản có thể định cư tại TP này trong khoảng 15 năm tới. Theo thiết kế, mỗi khu vực của Ocean Spiral gồm 3 cấu trúc chính. Nằm sát mặt biển là một khối cầu khổng lồ có đường kính 500m, trong đó sẽ bao gồm khu dân cư, khu kinh doanh, khách sạn, công viên và các dịch vụ giải trí. Cấu trúc thứ hai là một hệ thống ống hình xoắn ốc có tổng chiều dài 15km để kết nối khối cầu với cấu trúc cuối cùng là trung tâm năng lượng tích hợp nằm dưới mặt nước khoảng 3 - 4km.

Ông Yoshitaka Murata chia sẻ, tốn nhiều công sức, vật lực để phát triển công nghệ, song Shimizu không hề có ý định giữ cho riêng mình. Với các công trình tại Việt Nam, Shimizu luôn sử dụng những công nghệ hiện đại nhất và sẵn sàng chuyển giao các công nghệ này. Thực tế, Shimizu sử dụng rất ít kỹ sư của Nhật Bản mà thay vào đó ưu tiên sử dụng các kỹ sư của Việt Nam nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng của đội ngũ này. Shimizu cũng sử dụng tối đa nhà thầu phụ tại địa phương để đào tạo, chuyển giao công nghệ, giúp các DN Việt Nam học hỏi và tiếp cận nhanh với các thiết bị, máy móc hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần