Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội và kỳ vọng

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa khi nào khu vực kinh tế tư nhân lại nhận được nhiều sự quan tâm và ưu ái như hiện nay.

Xóa bỏ rào cản và tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN tư nhân phát triển đang là chủ đề được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 5 Khóa XII, và tới đây, ngày 17/5, DN tư nhân cũng được ưu tiên mời dự nhiều hơn các thành phần DN khác tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp DN năm 2017. Các DN tư nhân đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và coi đây là cơ hội tốt để phát triển đúng với tiềm năng.
Hội nghị trên sẽ có khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối DN dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN Nhà nước và DN đã cổ phần hóa...
Sự ưu ái của Chính phủ đối với DN tư nhân cũng là dễ hiểu bởi khu vực này hiện đang chiếm khoảng 40% GDP toàn nền kinh tế, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là mọi thành phần DN đều được tạo điều kiện bình đẳng, công bằng để phát triển, tuy nhiên các thành phần DN FDI, DN Nhà nước đã có những diễn đàn khác để chia sẻ, còn tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ muốn nghe nhiều hơn tiếng nói của DN tư nhân. Mặc khác, khu vực kinh tế tư nhân được mời nhiều hơn cũng là phù hợp với tình hình chung về tỷ lệ DN trong nền kinh tế, cũng như mục tiêu chúng ta đã đề ra về phát triển DN khu vực tư nhân.
Còn nhớ, tại Hội nghị Thủ tướng gặp DN năm 2016, đã có tới 320 kiến nghị nêu tại hội nghị, 100 kiến nghị gửi bổ sung sau đó, phần lớn các kiến nghị nêu từ 2016 đã được giải quyết. Do đó, Hội nghị năm 2017 được cộng đồng DN tư nhân kỳ vọng sẽ là diễn đàn cởi mở của Chính phủ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc và có thêm những cam kết đồng hành mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình khởi nghiệp của DN. Dự kiến các vấn đề liên quan đến giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic, thủ tục phá sản DN, giải quyết tranh chấp, thanh tra, kiểm tra... sẽ tiếp tục là chủ đề “nóng” được nhiều DN quan tâm. Bên cạnh đó, sẽ là các kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hạn chế những “hành vi hành chính vô cảm” mà điển hình là vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư xảy ra mới đây để tránh đẩy DN vào thế "ngồi trên đống lửa"...  
Với tinh thần hỗ trợ tối đa cho DN, hiện các địa phương đang sốt sắng thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển DN, làm vậy là tốt nhưng cần tránh Nhà nước can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường... có thể gây ra những hệ lụy lâu dài. Cụ thể, Nhà nước không được hành chính hóa hệ thống dịch vụ phát triển DN... Chính phủ kiến tạo chứ không làm thay cho thị trường, do vậy cần phải đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công... nhất là các dịch vụ hỗ trợ phát triển DN. Bên cạnh việc đẩy mạnh thoái vốn, Nhà nước còn phải thoái sức ra khỏi các dịch vụ công, không “ôm đồm” mà tập trung vào kiến tạo thể chế, tạo điều kiện cho DN, thị trường phát triển bền vững...