Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cơ hội vàng” cho hàng không và du lịch

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 15/3, Việt Nam mở cửa du lịch. Đây sẽ là thời điểm “vàng” cho ngành hàng không khi du khách quốc tế trở lại nước ta.

Mở cửa đón du khách quốc tế sẽ mang tới cơ hội lớn cho hàng không và du lịch cùng phục hồi.
Mở cửa đón du khách quốc tế sẽ mang tới cơ hội lớn cho hàng không và du lịch cùng phục hồi.

Để nắm bắt được cơ hội hiếm có này, ngành hàng không cần có sự chuẩn bị chu đáo nhất. Đặc biệt, phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội để giành lấy ưu thế trong cuộc cạnh tranh được dự báo là sẽ rất gay gắt.

Thời cơ tốt để tăng tốc

Ngày 12/3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 1560/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2026. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ VHTT&DL và ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15/3/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; Hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện. Đồng thời, làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.

Việc chính thức mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 15/3 được đánh giá là phù hợp, kịp thời để ngành du lịch và hàng không nắm bắt được “cơ hội vàng” phục hồi sau đại dịch Covid-19. Bằng chứng là, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam, du lịch Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, tăng từ 300 - 400% so với cùng kỳ.

Riêng đối với ngành hàng không, đây sẽ là cơ hội tốt để “tăng tốc”, lấy lại đà kinh doanh sản xuất sau một thời gian dài thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhất là, trong bối cảnh các đường bay quốc tế và nội địa đều đang vận hành trơn tru, duy trì ổn định và tăng trưởng đều từ khi nối lại vào cuối năm 2021 đến nay.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành hàng không khi du lịch chính thức mở cửa đón khách quốc tế, các chuyên gia cùng chung nhận định, đây là cơ hội lớn của ngành hàng không. Bởi từ trước đến nay, hàng không và du lịch luôn có mối quan hệ mật thiết, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Nói một cách hình ảnh, mối quan hệ của hàng không với du lịch cũng giống như cây và đất. Do đó, việc mở cửa đón khách quốc tế chính là “thời cơ vàng cho cả du lịch và hàng không cùng phục hồi.

Hàng không đang có sự phục hồi tốt từ khi khôi phục lại các đường bay quốc tế và quốc nội.
Hàng không đang có sự phục hồi tốt từ khi khôi phục lại các đường bay quốc tế và quốc nội.

Nắm bắt nhanh, không được để chậm trễ

PGS.TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, cùng với việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ, việc cho phép du lịch mở cửa đón khách quốc tế chính là hai quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành hàng không. “Những quyết định này đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn hoạt động bay, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam” – PGS.TS Bùi Doãn Nề khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch VABA, mặt dù hiện nay dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước ta và nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia y tế, dịch bệnh đã và đang diễn biến theo chiều hướng tích cực lên. Do đó, đã đến lúc phải khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh để đưa nền kinh tế phục hồi. “Chúng ta xác định dịch bệnh chỉ kéo dài trong thời gian nhất định. Vì vậy, chúng ta đã chuẩn bị nhân lực để khai thông lại bay thương mại quốc tế. Đây là một tín hiệu tích cực cho hàng không và du lịch” – PGS.TS Bùi Doãn Nề cho biết.

Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên – Chuyên gia kinh tế cho rằng, đóng góp của ngành hàng không và du lịch đối với nền kinh tế rất lớn. Chính bởi vậy, việc sớm mở cửa đối với hai lĩnh vực này rất quan trọng để khai thông cũng như tạo động lực phát triển kinh tế. “Sau hai năm đứt gãy, việc khôi phục hàng không, du lịch sẽ tạo hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế” – TS Trần Đình Thiên nói. 

TS Trần Đình Thiên đánh giá, với hai quyết định quan trọng là “mở cửa bầu trời” đối với hàng không và mở cửa đón khách du lịch quốc tế, Chính phủ đang muốn thông qua hai lĩnh vực này để tuyên bố với thế giới về việc Việt Nam đã an toàn và dần phục hồi, đồng thời cũng cho thấy DN Việt Nam có sức chống chịu tốt. 

PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế lại nhận định, dù Chính phủ đã đồng ý mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3, nhưng để chính sách này thật sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng sẽ cần thêm thởi gian. Bởi trên thực tế, khi thời điểm mở cửa du lịch đã cận kề thì phương án đón khách vẫn chưa được phê duyệt.

"Chúng ta phải sớm thống nhất và ban hành phương án đón du khách quốc tế, nhất là những quy định cụ thể về kiểm dịch như giấy chứng nhận tiêm vaccine, chứng nhận khỏi Covid-19 cũng như các loại giấy tờ liên quan khác. Rút kinh nghiệm từ đợt triển khai “hộ chiếu vaccine” trước kia, không được để chậm trễ khiến cơ hội tuột mất” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

 

“Mở cửa du lịch, vấn đề an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Kèm với sự an toàn đó là quản trị rủi ro có thể xảy ra thì xử lý như thế nào, để làm sao khách không bị thiệt hại và chúng ta cũng hạn chế thấp nhất thiệt hại của DN. Phải quy định với nhau rất rõ ràng chứ không chỉ nói về mặt nguyên tắc được. Cần có phương án an toàn, có sản phẩm, dịch vụ tốt, hợp thời, ngành kinh tế xanh sẽ phát triển bền vững và không để xảy ra tình trạng mở rồi lại đóng. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế”. - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Tổng cục Du lịch - PGS.TS Phạm Trung Lương