Cơ hội xếp đặt trật tự an ninh khu vực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 30/5, Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một trong những tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới tổ chức chính thức khai mạc tại Singapore với sự tham dự của đại biểu đến từ 31 quốc gia.

 Theo chương trình nghị sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La vào tối 31/5 với tư cách là diễn giả chính.

 Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra từ 30/5 - 2/6 với 5 phiên thảo luận chung tập trung vào các chủ đề như cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực, bảo vệ lợi ích quốc gia đi đôi với ngăn ngừa xung đột, hiện đại hóa quân sự và minh bạch hóa chiến lược, các xu thế mới trong nền an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác quốc phòng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia các phiên họp bàn thảo về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, tình hình tại Afghanistan, ngoại giao quốc phòng, công nghệ quân sự mới...

Kể từ khi Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 kết thúc, những thách thức địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, như chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, căng thẳng tiếp diễn tại Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chính những điều này đã khiến các quan chức quốc phòng cấp cao thế giới như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Thích Kiến Quốc, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton... đều thu xếp thời gian để tham dự hội nghị Shangri La lần này. Giới truyền thông Mỹ nhận định việc Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tham dự hội nghị và có cuộc tiếp xúc song phương với người đồng cấp Philippines, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng... đã khẳng định quyết tâm muốn hoàn tất sự chuyển hướng chiến lược qua vùng Thái Bình Dương của Mỹ.

Được IISS tổ chức lần đầu năm 2002, Đối thoại Shangri La đã trở thành diễn đàn thường niên và có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực, quốc tế. Đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn về tình hình các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin... Ngay từ khi Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002, Việt Nam đã cử đoàn đại biểu tham dự và có nhiều đóng góp được các nước đánh giá cao.